Chủ động phòng, chống cháy nổ từ cơ sở
- content:
Vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ
Trên địa bàn Hà Nội, những năm gần đây, tình hình cháy, nổ đang có dấu hiệu gia tăng, diễn biến phức tạp, mức độ nghiêm trọng, khó lường. Đơn cử, tại quận Ba Đình, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn quận xảy ra 10 vụ cháy và 20 sự cố cháy, các sự cố cháy không gây thiệt hại về người.
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) cũng đã tổ chức cứu nạn cứu hộ 10 vụ sự cố trên địa bàn quận Ba Đình, hỗ trợ tìm kiếm và đưa 1 thi thể người bị nạn ra khỏi hiện trường sự cố tai nạn. Các vụ cháy trên địa bàn quận có nguyên nhân do sự cố điện chiếm đến 80% số vụ cháy, tập trung chủ yếu đối với loại hình nhà dân.
Qua công tác điều tra nguyên nhân các vụ cháy, cho thấy sự cố điện chủ yếu phát sinh từ việc lắp đặt hệ thống điện chưa đảm bảo và các thiết bị điện đã cũ, không được bảo dưỡng, sửa chữa dẫn đến chập, cháy điện hoặc sự cố do đường dây điện trên cột bị quá tải dẫn đến chập, cháy lan vào nhà dân.
Trong 6 tháng đầu năm, Công an quận Ba Đình tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống cháy nổ ngay tại cơ sở. Theo số liệu báo cáo từ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Ba Đình, hiện trên địa bàn quận có 4.454 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; 425 cơ sở có nguy cơ về cháy, nổ; 769 cơ sở do Cơ quan Công an quản lý; 3.685 cơ sở do Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã quản lý; số phường, xã là 14 phường với 217 tổ dân phố, trong đó có 8 khu dân cư có nguy cơ cháy.
Thời gian qua, việc bùng phát dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố và địa bàn quận trong những tháng đầu năm 2022 đã gây khó khăn cho việc tổ chức hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC&CNCH tại cơ sở và tổ chức các hoạt động tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC&CNCH theo kế hoạch và chỉ tiêu công tác năm đã được đăng ký.
Công tác quản lý Nhà nước về PCCC&CNCH đối với nhà chung cư, tập thể cũ trên địa bàn quận có nhiều khó khăn do các nhà chung cư, tập thể cũ đều được xây dựng và đưa vào sử dụng từ trước những năm 90 của thế kỷ trước (trước khi Luật PCCC năm 2001, Luật Nhà ở năm 2005 ban hành), trước đây thuộc nguồn vốn đầu tư và sở hữu của Nhà nước.
Đến ngày 05/7/1994, thực hiện Nghị định số 61-CP của Chính phủ, các nhà ở này được bán hết cho các hộ gia đình, toàn bộ phần diện tích sở hữu chung, riêng đều do các hộ dân tự thống nhất để quản lý, tu bổ, sửa chữa khi có nhu cầu; không thành lập ban quản trị nhà chung cư, nhà tập thể…
Do vậy, không xác định được người đứng đầu cơ sở, không có cá nhân, tập thể chịu trách nhiệm pháp lý liên quan công tác PCCC dẫn đến khó khăn trong thực hiện biên bản kiểm tra an toàn PCCC&CNCH; lập và phê duyệt Phương án chữa cháy; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH; tổ chức thực tập Phương án chữa cháy và CNCH; lập Hồ sơ công tác quản lý về PCCC&CNCH…
Bên cạnh đó, công tác xử lý vi phạm về PCCC còn gặp nhiều khó khăn. Chế tài xử phạt đối với một số hành vi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe dẫn đến các vi phạm về PCCC kéo dài, chưa được xử lý, giải quyết triệt để. Công tác quy hoạch phát triển hạ tầng phục vụ cho chữa cháy chưa đáp ứng yêu cầu so với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Vị trí của đơn vị xa khu trung tâm hành chính của quận nên khi có cháy xảy ra tại khu vực phía Tây Nam của quận mất nhiều thời gian di chuyển. Với đặc thù địa bàn có nhiều ngõ nhỏ, phố nhỏ, ngõ có chiều sâu trên 200m, xe chữa cháy không thể tiếp cận được. Hệ thống trụ nước, bể dự trữ nước phục vụ cho công tác chữa cháy còn thiếu; trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng, đặc chủng dùng trong công tác PCCC và CNCH vẫn còn thiếu so với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Nhân rộng các mô hình hiệu quả
Thời gian qua, quận Ba Đình đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác phòng, chống cháy nổ lại cơ sở. Có thể kể đến, Công an quận Ba Đình cùng UBND phường Điện Biên đã tổ chức Lễ ra mắt mô hình điểm “Khu liên gia an toàn PCCC” tại ngõ 28 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên. Đây là mô hình đầu tiên được Công an Thành phố triển khai trong khu vực nội thành.
Theo Công an quận Ba Đình, nhằm khuyến khích toàn dân tham gia phong trào PCCC, làm giảm số vụ và thiệt hại do cháy gây ra trên địa bàn, Công an quận đã tham mưu UBND quận triển khai thực hiện mô hình “Khu dân cư an toàn PCCC”.
Cụ thể, Khu liên gia sẽ được thành lập 1 tổ PCCC cơ động, gồm những thành viên có sức khỏe, nhiệt tình, có kỹ năng cần thiết trong việc xử lý các tình huống chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời, người dân trong Khu liên gia cũng được hướng dẫn, tập huấn những kỹ năng cơ bản về PCCC&CNCH và được trang bị một số phương tiện chữa cháy như bình bọt, bình khí CO2, mặt nạ phòng độc… nhằm bảo đảm xử lý nhanh, hiệu quả các sự cố cháy, nổ ngay từ ban đầu.
Ngay sau khi ra mắt mô hình, các lực lượng đã phối hợp tổ chức tập huấn phương án chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn tại đây. Do được lực lượng Cảnh sát PCCC thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn nên các thành viên đã xử lý sự cố giả định chính xác, an toàn, hiệu quả, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ trong PCCC.
Từ mô hình đầu tiên này, Công an Thành phố cũng đã giao Công an quận Ba Đình tiếp tục nghiên cứu triển khai thêm nhiều mô hình tương tự trên địa bàn và tiến tới nhân rộng trên toàn Thành phố, đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn về PCCC.
Cũng tại quận Ba Đình, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến công tác PCCC&CNCH tại các trường học trên địa bàn quận, Công an quận đã tham mưu UBND quận tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Trường học an toàn PCCC” tại Trường Tiểu học Kim Đồng.
Công an quận tổ chức tuyên truyền về PCCC&CNCH cho toàn thể học sinh tại Trường Tiểu học Kim Đồng với những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và cách thức thoát nạn phù hợp với lứa tuổi học sinh cấp Tiểu học, để giúp cán bộ, giáo viên và học sinh có cái nhìn trực quan, thực tế khi có tình huống cháy xảy ra tại nhà trường; tiếp đó, là diễn tập tình huống giả định.
Theo chỉ huy Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Ba Đình, trong 6 tháng cuối năm 2022, Đội sẽ sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND quận thực hiện có hiệu quả các mặt công tác PCCC&CNCH theo quy định của pháp luật.
Tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy, UBND, Công an Thành phố về công tác PCCC&CNCH. Trong đó, tổ chức tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ PCCC&CNCH; tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Khu dân cư an toàn”; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 2 mô hình điểm về an toàn PCCC gồm: Mô hình “Trường học an toàn”, mô hình “Khu dân cư an toàn”; tổ chức diễn tập Phương án PCCC&CNCH cấp quận năm 2022...
Đồng thời, tiếp tục rà soát địa bàn, thực hiện công tác điều tra cơ bản, nắm chắc các cơ sở để quản lý về PCCC. Tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo an toàn PCCC&CNCH tại các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC theo chỉ tiêu công tác được giao và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Tiếp tục phối hợp, hướng dẫn UBND 14 phường, người đứng đầu các cơ sở trên địa bàn quận tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả của lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở và chuyên ngành; bổ sung đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy tại các đơn vị; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC&CNCH; hướng dẫn xây dựng, nhân điển hình tiên tiến về công tác PCCC&CNCH trên địa bàn quận…/.
Kim Tiến
Lao động Thủ đô