Hà Nội: Cựu thanh niên xung phong tự nguyện nhặt rác làm đẹp môi trường
- content:
-
Các cựu thanh niên xung phong tự nguyện nhặt rác làm đẹp môi trường
Để cảm nhận rõ nhất, sinh động nhất về việc làm mang nhiều ý nghĩa của những con người thầm lặng vì môi trường này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có mặt tại hồ Giảng Võ, quận Ba Đình vào thời điểm 8 giờ sáng chủ nhật, ngày 27/5/2018, để ghi nhận không khí vui tươi làm việc hăng say bên những túi ni lon rác của người dân nơi đây.
Công việc nhặt rác, được các thành viên trong nhóm duy trì và thực hiện rất đều đặn vào các buổi sáng chủ nhật hàng tuần, phạm vi nhặt rác là xung quanh khu vực đường dạo hồ Giảng Võ, rác thải trôi nổi ven mặt nước hồ, cùng toàn bộ khu vực vườn hoa, thảm cỏ dọc đường Trần Huy Liệu, phường Giảng Võ, quận Ba Đình.
Chia sẻ với Báo Tài nguyên và Môi trường bà Đinh Thị Thanh Thủy - Chủ tịch Hội cựu thanh niên xung phong phường Giảng Võ vui vẻ cho biết: Việc làm này là hoàn toàn tự nguyện từ các cá nhân trong nhóm, xong tất cả mọi người đều tự giác đến sớm, tập trung đông đủ từ trước 8h sáng, nghe Trưởng nhóm phân công cho từng người phụ trách các khu vực khác nhau.
Việc nhặt rác diễn ra đều đặn vào sáng chủ nhật hàng tuần tại hồ Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội
Trong đó, người thì đảm nhiệm việc nhặt rác trên vỉa hè, người làm dưới bờ kè, người lại vớt rác, cá chết ven hồ Giảng Võ... Để có thể tiến hành hiệu quả việc vệ sinh môi trường, mỗi thành viên đều được phát một túi ni lon loại to, một găng tay, cùng với đó công cụ nhặt rác là một chiếc kẹp dài. Mặc dù công việc vệ sinh nhặt rác diễn ra giữa cái nắng như đổ lửa 39 – 40 độ C của mùa hè, thế nhưng nhóm tình nguyện đi đến đâu là những âm thanh, tiếng cười nói vui vẻ vang lên đến đó.
Bà Đỗ Thị Kiều Lan – Một trong những thành viên của Hội cựu thanh niên xung phong phường Giảng Võ, năm nay đã 73 tuổi chia sẻ: Trước thực trạng rác thải là túi ni lon, vỏ bánh kẹo, giấy vụn, hạt dưa... bừa bãi quanh khu vực đường dạo, dưới chân nghế đá, trên vườn hoa, thảm cỏ. Điều này, khiến những người cựu thanh niên xung phong chúng tôi không khỏi trăn trở, suy nghĩ là phải làm một việc gì đó để cải thiệt chất lượng môi trường sống nơi đây, ý nghĩ đi đôi với hành động. Vì vậy, toàn bộ hơn 20 cựu thanh niên xung phong của phường Giảng Võ đã cùng họp bàn, thống nhất cách làm và bắt tay vào thực hiện nhặt rác buổi đầu tiến vào cuối tháng 3/2016.Khi mới thực hiện nhóm tình nguyện gặp nhiều khó khăn do thiếu thốn các trang thiết bị bảo hộ lao động như găng tay, băng khẩu, kẹp rác... Tuy nhiên, vào khoảng đầu tháng 4/2016 trong một lần tới thăm hồ Giảng Võ ông Gondai Shoichi – Giáo sư người Nhật Bản cộng tác tại Trường đại học Bách Khoa Hà Nội thấy được việc làm ý nghĩa vì cộng đồng này đã hưởng ứng nhiệt tình, hỗ trợ một phần kinh phí mua các dụng cụ lao động nhặt rác.
Không dừng lại ở đó, ngoài việc ủng hộ về mặt vật chất ông Gondai Shoichi còn tuyên truyền, kêu gọi các bạn bè đồng nghiệp, sinh viên, học sinh trực tiếp tham gia nhặt rác cùng nhóm tình nguyện gần 3 năm qua. Vì thế, bên cạnh hơn hai mươi thành viên nòng cốt là các cựu thanh niên xung phong, nhóm còn thu hút hàng chục người nước ngoài đang công tác, học tập tại Việt Nam tham gia nhặt rác,làm sạch hồ Giảng Võ. Hiện nay phong trào tình nguyện vì môi trường này thu hút cả những vị khách đến từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ...
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà – Đến từ quận Cầu Giấy cho biết: Hình ảnh những người cao tuổi nhặt rác vào mỗi buổi sáng chủ nhật hàng tuần có thể nói đã không còn xa lạ với người dân xung quanh khu vực hồ Giảng Võ. Bằng những dụng cụ thô sơ trong tay các ông, các bà đã ở vào đổ tuổi xưa nay hiếm, nhưng vẫn hoạt động, vẫn cần mẫn làm những việc có ích cho cộng đồng, cho xã hội góp phần giúp không gian nơi đây ngày một sáng – xanh - sạch - đẹp hơn.
Ông Gondai Shoichi – Giáo sư người Nhật Bản người đứng ngoài cùng bê tay trái đã gắn bó với Hội cựu thanh niên xung phong tự nguyện nhặt rác đã gần 3 năm nay
“Bởi vậy, hành động đầy ý nghĩa này đã có sức lan tỏa rộng lớn, khiến cho những người như tôi và cả nhân dân các quận xung quanh như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân... cũng cùng tham gia nhặt rác vào 8 giờ sáng chủ nhật hàng tuần, hàng tháng, thậm chí vào những dịp nghỉ lễ, tết tôi còn dẫn thêm các cháu của mình đi nhặt rác, nhằm mục đích giáo dục cho trẻ ý thức tự giác, nâng cao nhận thức, tầm quan trọng đối với công tác bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi ra đường và nơi công cộng...” – Bà Hà nói.
Qua mỗi buổi nhặt rác của nhóm tình nguyện thu gom được hơn 20 túi rác lớn nhỏ khác nhau. Số lượng rác có thể không lớn nhưng hầu hết các bác cao tuổi trong nhóm hy vọng rằng việc làm tuy nhỏ bé này sẽ góp phần tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân sống xung quanh, cùng với cộng đồng tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường chung.Huy An (Báo TN&MT)