50 năm Di chúc Bác Hồ: Chỉnh đốn Đảng để củng cố niềm tin và mong đợi của nhân dân

Thời gian vừa qua, nhiều cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược thiếu gương mẫu, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng (tháng 1/2016) đến nay, hơn 60 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật. Thực tế đó đặt ra nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là huấn luyện, đào tạo cán bộ, đồng thời siết chặt quy trình lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ.
content:

Đây cũng là một trong những khâu trọng yếu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

XỬ LÝ CÁN BỘ "KHÔNG CÓ VÙNG CẤM" LÀ BƯỚC ĐỘT PHÁ TRONG CHỈNH ĐỐN ĐẢNG

 

Năm 2019 đánh dấu chặng đường nửa thế kỷ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện Di chúc của Người. Đặc biệt, khi các quyết nghị của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, ráo riết, đạt được những kết quả cụ thể, rõ rệt trong thời gian qua, góp phần củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng đã tiếp tục khẳng định tầm vóc tư tưởng, tầm nhìn xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Năm 2019 là năm thứ tư của nhiệm kỳ 5 năm, có vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi toàn bộ Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020.

 

Bên cạnh đó, đây cũng là năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Toàn Đảng, toàn dân đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điều này cũng thể hiện sự tiếp thu, tiếp nối xuyên suốt tư tưởng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc.

 Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo cách mạng, phương hướng phát triển của dân tộc, thể hiện cô đọng nhân cách của vị Lãnh tụ, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Di chúc kết tinh những giá trị lịch sử, văn hóa, tư tưởng; trong đó, mỗi câu chữ, mỗi đoạn văn đều là kết quả của quá trình suy ngẫm, chắt lọc, thể hiện phong cách, tư tưởng, tình cảm, trí tuệ của Người. Đó là văn kiện của một nhà chính trị lớn, vị Lãnh tụ của Đảng, dân tộc, vừa là tác phẩm tầm cỡ của một nhà văn hóa lớn.

Trong Di chúc, Bác khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành

lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.”

 

Ông Nguyễn Đức Hà (Ban Tổ chức Trung ương) phân tích, Đảng ta là đảng cầm quyền duy nhất. Điều này tạo nên sự khác biệt của Đảng ta so với các đảng khác trên thế giới. Một đảng duy nhất cầm quyền có nhiều thuận lợi (trong việc tập hợp lực lượng, thống nhất ý chí, nguyện vọng của nhân dân…) nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ: dễ dẫn tới chủ quan, thỏa mãn, không có sự cạnh tranh vai trò lãnh đạo nên không nhìn thấy những khuyết điểm của mình…. Thực tiễn cũng đã cho thấy, Đảng cũng có những sai lầm và Đảng cũng phải tiến hành nhiều cuộc chỉnh đốn Đảng, kiểm điểm, phê bình, tự phê bình để khắc phục những hạn chế.

Bởi vậy, trong nhiều điều Bác căn dặn trước lúc đi xa, Bác nhấn mạnh vấn đề đầu tiên là: sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Đảng phải tiến hành ngay việc chỉnh đốn Đảng.

 

“Bác nhắc nhở vấn đề trên bởi lẽ, Bác cho rằng, lúc này, sự nghiệp cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới với nhiều thử thách cam go. Nhiệm vụ cách mạng càng khó khăn, phức tạp bao nhiêu thì lại càng đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng bấy nhiêu. Nếu Đảng không thống nhất, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh thì không đủ sức để lãnh đạo cách mạng đi lên. Hơn nữa, Người nhắc nhở bởi Người sợ chúng ta say sưa với chiến thắng, ngủ quên bên vòng nguyệt quế. Điều này cho thấy tầm vóc tư tưởng, tầm nhìn xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh,” ông Nguyễn Đức Hà phân tích.

 

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là việc làm thường xuyên, liên tục, bao gồm nhiều việc và phải được tiến hành trong suốt quá trình Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng.

 

Những nội dung của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Bác đề cập trong Di chúc bao gồm: tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng; phát huy dân chủ trong Đảng, tự phê bình và phê bình thường xuyên và nghiêm túc; coi trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, kiên quyết đấu tranh đẩy lùi những tiêu cực.

 

Ông Nguyễn Đức Hà khẳng định, thực hiện lời căn dặn của Bác, Đảng luôn quan tâm, chăm lo đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng diễn ra thường xuyên. “Xây dựng” và “chỉnh đốn” là hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau: trong “xây dựng” có “chỉnh đốn,” trong “chỉnh đốn” có “xây dựng.”

Những nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được cụ thể hóa theo các nội dung: ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp (nhất là cấp chiến lược) đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương... Điều đó đã tạo sinh khí và sức mạnh mới trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị mang tầm chiến lược tổng thể.

 

“Đặc biệt, trong những năm gần đây, Đảng đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, lãng phí. Điều đó để thấy quyết tâm chính trị to lớn của toàn Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư,” ông Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là việc làm thường xuyên, liên tục, bao gồm nhiều việc và phải được tiến hành trong suốt quá trình Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. 

 

Riêng trong năm 2018, đã kết thúc điều tra 23 vụ/222 bị can (tăng 43,75% số vụ so với năm 2017), đã truy tố 20 vụ/251 bị can (tăng 66,7% số vụ so với năm 2017); đã xét xử sơ thẩm 23 vụ/304 bị cáo (gấp gần 5 lần so với năm 2017).

 

 

Đặc biệt, việc đưa ra xét xử 10 vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đã thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Cụ thể, 10 đại án bao gồm: 1/ vụ án “Tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam; 2/ vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land); 3/ vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) liên quan việc góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank); 4/ vụ án “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” xảy ra tại thành phố Đà Nẵng và một số địa phương; 5/ vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Lạm quyền trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Công ty cổ phần phát triển, đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng; 6/ vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra ở Phú Thọ và một số địa phương; 7/ vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm); 8/ vụ án “Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” liên quan đến hành vi của Hứa Thị Phấn; 9/ vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm (phần bản án phúc thẩm hủy để điều tra, xét xử lại)”; 10/ vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản,” “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng,” “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DAB).

 

Cũng trong năm 2018, qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 108.000 tỷ đồng, hơn 1.000ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 2080 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 101 vụ, 151 đối tượng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 319.000 tỷ đồng, hơn 7.200ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 5.932 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 311 vụ, 481 đối tượng.

Đánh giá kết quả sau 5 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (2013-2018), tại Phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Công tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh, nhất là từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, nhân dân.”

 

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII (tháng 1/2016) đến nay, hơn 60 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật. Những cán bộ này bị kỷ luật, chủ yếu do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; ban hành chủ trương, nghị quyết về đầu tư; góp vốn, chỉ định thầu, cổ phần hóa; thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát; tham nhũng, lợi ích nhóm; vụ lợi, không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực.

 

“Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được kết quả tích cực, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Có thể nói, chưa có thời gian nào, nhiều cán bộ (cả đương chức và nguyên chức) bị xử lý kỷ luật như thời gian vừa qua. Đây là bước đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy nhà nước và của toàn hệ thống chính trị, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng,” ông Nguyễn Đức Hà khẳng định.

 

CAM KẾT CHÍNH TRỊ CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG TRƯỚC TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN

 

Theo ông Nguyễn Đức Hà, những yếu kém trong công tác cán bộ là một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng cán bộ vi phạm bị xử lý kỷ luật trong thời gian qua. Việc xảy ra những sai phạm là một quá trình với nhiều nguyên nhân liên quan tới cơ chế, chính sách công tác tổ chức cán bộ và bản thân người cán bộ.

 

“Dù mất mát nhiều cán bộ nhưng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực là việc bắt buộc phải thực hiện để làm trong sạch Đảng,” ông Nguyễn Đức Hà nhấm mạnh. Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là huấn luyện, đào tạo cán bộ, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên bởi có một bộ phận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, có biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa.

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Người khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém.” Bác chỉ rõ: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng.”

Trong những năm gần đây, Đảng đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, lãng phí, thể hiện quyết tâm chính trị to lớn của toàn Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu với người cán bộ là vừa phải có đức vừa phải có tài, trong đó, đức là gốc. Trong Di chúc, Người viết rõ: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.”

 

Thực hiện lời căn dặn của Bác, trong 50 năm qua, Đảng luôn coi trọng bồi dưỡng lý luận chính trị, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ. Trong công tác cán bộ, việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa rất quan trọng, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nề nếp, chủ động, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài.

 

Năm 2019 là năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ông Nguyễn Đức Hà cho rằng, đặt trong bối cảnh thực tế (thời gian qua có nhiều cán bộ cấp chiến lược đã thiếu gương mẫu, vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước), Trung ương sẽ đặc biệt chú trọng tới công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.

 

Hiện nay, trên phạm vi cả nước, có khoảng 600 cán bộ cấp chiến lược. “Số lượng này chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số hơn 5 triệu đảng viên hay 100 triệu dân của cả nước. Tuy nhiên, đây lại là đội ngũ cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, là linh hồn và hạt nhân của Đảng, có ý nghĩa quyết định chiều hướng phát triển của Đảng, đất nước, dân tộc,” ông Hà nói.

Tinh thần chỉ đạo của Trung ương trong việc chuẩn bị nhân sự là: kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.

 

 

Từ đó, ông Nguyễn Đức Hà cho biết, tinh thần chỉ đạo của Trung ương lần này trong việc chuẩn bị nhân sự là: “Tiến hành công tác nhân sự từng bước, từng việc một cách thận trọng với quy trình chặt chẽ, chắc chắn, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng vào Ban chấp hành Trung ương.”

Tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và thống nhất cao việc ban hành Quy định số 08-QĐ/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.”

 

“Quy định mới do Ban chấp hành Trung ương ban hành có tính pháp lý cao hơn, hiệu lực mạnh hơn, tập trung trước hết vào các đồng chí lãnh đạo cấp cao, các đồng chí lãnh đạo Trung ương. Theo tôi, đây là biện pháp rất quyết liệt, mạnh mẽ. Bởi lẽ, quy định này thực chất là là một cam kết chính trị của Ban chấp hành Trung ương trước toàn Đảng, toàn dân. Đó cũng là sự cam kết của Ban chấp hành Trung ương đối với chính mình bởi Ban chấp hành Trung ương vừa là người ban hành và vừa là người thực hiện. Cam kết của Ban chấp hành Trung ương được công bố công khai trên các phương tiện đại chúng để toàn Đảng, toàn dân theo dõi giám sát,” ông Nguyễn Đức Hà nhận định.

Quy định số 08-QĐ/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng” thực chất là là một cam kết chính trị của Ban chấp hành Trung ương trước toàn Đảng, toàn dân và trước chính mình.
 

 

Phân tích sâu hơn về nội dung này, ông Hà cho biết, vấn đề nêu gương hiện nay không chỉ là trách nhiệm, nhiệm vụ của đảng viên mà giờ còn là phương thức lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội thông qua việc gương mẫu của đảng viên trong các cơ quan, trong các tổ chức xã hội.

 

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Trung ương nhấn mạnh, nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí thực sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.”

 

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua đã đã tạo sinh khí và sức mạnh mới trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị mang tầm chiến lược tổng thể./.

 

Theo VietNam+

content:

content:

Thư viện hình ảnh

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến: 336
Số lượt truy cập: 4982548