Góp ý kiến vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng
- content:
-
Trong thời gian qua, trên địa bàn quận đã tổ chức các hội nghị công bố, lấy ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Qua tổng hợp góp ý kiến vào dự thảo văn kiện, đã có nhiều đại biểu góp ý kiến trong từng lĩnh vực cụ thể, như ý kiến của đồng chí PGS, TS Nguyễn Viết Nhung - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương góp ý về chủ trương phát triển ngành y tế.
- Phần đánh giá, rất nên bổ sung những thành công trong ứng phó với đại dịch Covid-19 hiện nay, sự thành công của lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, hệ thống chính trị và sự đồng lòng của toàn thể nhân dân nhưng cũng cần nhấn mạnh vai trò nòng cốt của hệ thống y tế với vai trò vừa tham mưu về chuyên môn kỹ thuật vừa trực tiếp thực hiện. Qua đó cũng bộc lộ những điểm bất cập cần khắc phục. Ngoài ra, thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế, giáo dục là một chủ trương lớn, đã có nhiều thành tựu nhưng cũng có những bất cập nên được nêu trong phần đánh giá.
- Phần định hướng chỉ tiêu xã hội, đến năm 2025, nên tăng thêm chỉ tiêu số bác sĩ thành 11 bác sĩ/1 vạn dân. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng đã đưa ra chỉ tiêu 9 - 10 bác sĩ/1 vạn dân. Chỉ tiêu này còn tới 5 năm nữa để thực hiện và có vai trò rất quan trọng bởi lực lượng bác sĩ là nòng cốt của nhân lực y tế. Chỉ tiêu này ở Việt Nam đang còn rất thấp so các nước trong khu vực và thế giới (Trung Quốc 19, Mỹ 26, Nhật Bản 24, Australia 48,3, Nga 43, Cuba 67,2).
- Chỉ tiêu về giường bệnh ở mức 30/1 vạn dân là phù hợp hiện nay nhưng về định hướng phát triển chúng ta cần cân nhắc. Tăng giường bệnh không phải là xu hướng của các nước phát triển, mà họ đang giảm số giường bệnh (thí dụ, Đan Mạch từ 30,7 giường bệnh/1 vạn dân xuống còn 21,6 vào năm 2017; Anh từ 27,6 đã giảm xuống còn 25,8 giường bệnh/1 vạn dân năm 2017). Để giải quyết quá tải bệnh viện cần giải pháp đồng bộ, trong đó Việt Nam cũng rất có tiềm năng vì có hệ thống y tế phân bốn tuyến, kết hợp nhuần nhuyễn vai trò của y tế dự phòng và y tế điều trị, cùng với tăng cường y tế cơ sở thực hiện cả hai chức năng.
- Chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95% dân số rất quan trọng cho tài chính y tế. Tuy nhiên, cần nêu rõ đa dạng hóa loại hình bảo hiểm y tế, bao gồm cả khuyến khích xã hội hóa dịch vụ bảo hiểm y tế nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tham gia bảo hiểm cũng như hệ thống y tế cung ứng dịch vụ y tế. Ngoài ra, trong ngành y tế, việc thực hiện công bằng trong những lĩnh vực khó khăn nguy hiểm còn bất cập.
Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó ngành y tế là nòng cốt. Đầu tư cho sức khỏe là đầu tư cho phát triển. Bài học về dịch Covid-19 hiện nay cho thấy rất rõ vai trò của hệ thống y tế và mối liên quan đến phát triển kinh tế bền vững.
BTG