Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao

content:

Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề văn hóa giữ một vị trí quan trọng. Người định nghĩa về văn hóa như sau: “vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương tiện sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó là văn hóa”[1]. Như thế, Chủ tịch Hồ chí Minh xác định văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần và phương thức sử dụng chúng. Về sau này, khái niệm văn hóa được Người xác định cụ thể hơn, đó là đời sống tinh thần của xã hội.

Trong các lĩnh vực đời sống tinh thần của xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng các hoạt động văn hóa, văn nghệ và cán bộ làm công tác văn hóa, văn nghệ. Trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Người dặn dò: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh... Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”[2].

Tại Hội nghị cán bộ văn hóa năm 1958, Người căn dặn anh chị em: “Cơ quan trong Bộ Văn hoá, các cơ quan các ngành, các ty văn hoá thì cần xuống nông thôn, vào nhà máy, vào bộ đội nhiều hơn nữa, mà đi vào như thế thì phải cùng làm, cùng ăn, cùng ở với nhân dân. Chứ nếu đi xuống nông thôn mà lại lao động phất phơ, ở riêng thì cảm thông sao cho được, gần gũi sao cho được với công nông, với bộ đội. Muốn thật sự gần gũi quần chúng thì phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm, mới biết sinh hoạt của quần chúng như thế nào, mới biết khó khăn, biết chí khí của quần chúng như thế nào, mới biết nguyện vọng của quần chúng như thế nào”.

Có thể thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt văn hóa, văn nghệ trong mối quan hệ mật thiết, ngang hàng với kinh tế, chính trị: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa nhưng văn hóa là kiến trúc thượng tầng, những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hóa mới kiến thiết được”[3]. Người cũng yêu cầu cán bộ công tác văn hóa, người sáng tác văn học, nghệ thuật, báo chí... phải ba cùng với nhân dân. Có như vậy mới nói được tiếng nói của nhân dân, thở hơi thở của nhân dân, mới nói lên được ước vọng của nhân dân. Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng. Bác chỉ rõ: “Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi có bổ ích”[4].

Bên cạnh công tác văn hóa, văn nghệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đề cao tầm quan trọng của việc phát triển thể dục, thể thao. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, trong bối cảnh đất nước đứng trước những khó khăn to lớn về kinh tế và đời sống, chính quyền cách mạng non trẻ phải đương đầu với giặc đói, giặc ngoại xâm, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú ý và khuyến khích phát triển thể dục thể thao. Người đã khởi xướng nền thể dục thể thao cách mạng nhằm thúc đẩy tinh thần và sức khoẻ của nhân dân ta và xem đó là một yếu tố không thể thiếu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Ngày 30/1/1046, gần 5 tháng sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, trên cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ắc lệnh số 14-SL thành lập Nha Thể dục Trung ương (thuộc Bộ Thanh niên lúc đó) - bộ máy đầu tiên của ngành TDTT cách mạng nước ta. Sau đó ít ngày, trường thể dục ra đời và đặt cơ sở tại căn nhà ở đường Cột Cờ (Hà Nội). Cùng ngày, Báo Cứu Quốc đăng bài "Sức khỏe và thể dục" của Người. Thực chất bài báo đó là lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Bác Hồ. Tối 26 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự "Lễ hội thanh niên vận động" ở Hà Nội và Người châm ngọn lửa thiêng phát động phong trào "Khỏe vì nước". Phong trào này nhanh chóng lan tỏa từ Thủ đô Hà Nội đến các tỉnh, thành phố. Đó chính là TDTT cách mạng do dân, vì dân, tiền thân của nền TDTT Việt Nam ngày nay. Tư tưởng, hành động của Bác với công tác thể dục thể thao đã trở thành kim chỉ nan cho hoạt động của ngành TDTT nước nhà cũng như cổ vũ đông đảo nhân dân hàng ngày luyện tập, rèn luyện sức khỏe vì một xã hội phồn vinh, dân cường, nước thịnh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ hướng cho sự hình thành và phát triển nền TDTT mới. Để nền thể thao mới hình thành và phát triển mang bản chất cách mạng, vì lợi ích của toàn dân và đất nước thì điều cơ bản nhất là có sự định hướng đúng đắn, chỉ ra được mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng. Để đáp ứng điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết "Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục". "Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục" của Người như ánh dương tỏa chiếu, định hướng cho sự hình thành và phát triển nền TDTT mới của nước Việt Nam.

Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng ta trong gần 90 năm qua được xây dựng từ những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ở những thời điểm mang tính bước ngoặt của lịch sử, Đảng ta đã kịp thời đề ra những quan điểm, chủ trương, đường lối thích hợp để chỉ đạo xây dựng nền văn hóa, văn nghệ nước nhà (Dấu ấn đầu tiên là bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943). Báo cáo Chính trị tại Đại hội XI của Đảng (1-2011) xác định: “Phát triển văn hoá, xã hội hài hoà với phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển là thể hiện rõ nhất tính ưu việt của chế độ ta. Tăng đầu tư của Nhà nước, đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hoá, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa kế thừa, phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, vừa tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại để văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội. Xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khoẻ, lao động giỏi, sống có văn hoá, nghĩa tình, có tinh thần quốc tế chân chính; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; thực hiện bình đẳng giới, chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Tiếp tục củng cố và xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, đưa phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Phát triển mạnh sự nghiệp văn học, nghệ thuật, hệ thống thông tin đại chúng; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá truyền thống, cách mạng; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về văn hoá”.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về văn hóa, văn nghệ, Đảng bộ và nhân quân quận Ba Đình luôn chú trọng góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội và con người trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội. Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa đại chúng và môi trường văn hóa lành mạnh.

Mặt khác, trong bối cảnh phát triển hiện nay, công tác văn hóa, văn nghệ còn tồn tại một số hạn chế. Đó là tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và quần chúng. Hội nhập kinh tế, văn hóa cũng làm xuất hiện những trào lưu lai căng, Tây Âu hóa, Đông Âu hóa... và những tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa tinh thần, bản sắc văn hóa dân tộc. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này, trong đó có trách nhiệm của công tác văn hóa và thông tin. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã thu được kết quả, nhưng chưa có chiều sâu, nhiều nơi còn nặng về hình thức. Phong trào chưa thực sự phát huy được sức mạnh của toàn dân, của các cấp các ngành, nên làm hạn chế hiệu quả của phong trào. Nhiều năm qua, đời sống kinh tế có những bước phát triển vượt bậc song chưa có được tác phẩm văn học, nghệ thuật, phim ảnh…thực sự đáp ứng được nguyện vọng của công chúng và xứng tầm với những thành quả phát triển của đất nước. Hoạt động văn hóa, nhất là khu vực dịch vụ văn hóa cũng còn nhiều hạn chế. Nhiều di tích văn hóa, di tích cách mạng, đình chùa, hang động, khu du lịch… bị xâm phạm. Hiện tượng chùa giả, đình giả nhằm mục đích buôn thần, bán thánh hoạt động mê tín dị đoan để trục lợi xuất hiện. Công tác thi hành pháp luật, bảo vệ văn hóa chưa được thực hiện nghiêm minh, trình độ cán bộ văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp với các cấp chính quyền địa phương. Hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật đang có xu hướng nặng về thương mại hóa, xem nhẹ nhiệm vụ phục vụ đông đảo quần chúng. Phong cách, trang phục biểu diễn chạy theo xu hướng lai căng, học đòi bắt chước, thiếu tính thẩm mĩ, tính giáo dục, gây nên phản ứng khó chịu cho đông đảo khán giả.

Nói tóm lại, tư tưởng và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao là những thành tố quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Người về xây dựng con người mới, con người phát triển toàn diện. Con người mới theo tư tưởng của Hồ Chí Minh là con người xã hội chủ nghĩa, con người phát triển toàn diện để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đó là những thế hệ có sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, chăm chỉ rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe, có bản lĩnh chính trị, văn hóa sâu rộng.

Nguyễn Sơn - Phòng Văn hóa và Thông tin

 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự Thật, Hà Nội, Tập 3: tr431

[2]  Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự Thật, Hà Nội,  Tập 5: tr19

[3] Hồ Chí Minh: Về công tác văn hoá văn nghệ, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971: tr70

[4] Hồ Chí Minh: Về công tác văn hoá văn nghệ, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971: tr64

content:

content:

Album ảnh

portal-sessiontracking

Đang trực tuyến: 454
Số lượt truy cập: 4982970