Luật Phòng thủ dân sự số 18/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024

content:

Ngày 20/6/2023, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng thủ dân sự số 18/2023/QH15. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Trong đó có một số điểm nổi bật:

 

10 đối tượng dễ bị tổn thương trong phòng thủ dân sự

Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Do đó, các đối tượng dễ bị tổn thương liên quan đến phòng thủ dân sự sẽ là người, nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi hơn từ sự cố, thảm họa so với những nhóm người khác trong cộng đồng, bao gồm: Trẻ em; người cao tuổi; phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người khuyết tật; người bị bệnh hiểm nghèo; người nghèo; người mất năng lực hành vi dân sự; người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khan; người sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khan và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

03 cấp độ phòng thủ dân sự với các biện pháp áp dụng tăng dần

Cấp độ phòng thủ dân sự là sự phân định mức độ áp dụng các biện pháp của các cấp chính quyền trong phạm vi quản lý để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, làm cơ sở xác định trách nhiệm, biện pháp, nguồn lực của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng thủ dân sự. Cụ thể, phòng thủ dân sự bao gồm 03 cấp độ:

- Phòng thủ dân sự cấp độ 1: Được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trọng phạm vi địa bàn cấp huyện, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của lực lượng chuyên trách và chính quyền địa phương cấp xã;

- Phòng thủ dân sự cấp độ 2: Được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền địa phương cấp huyện;

- Phòng thủ dân sự cấp độ 3: Được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trên địa bàn một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền địa phương cấp tỉnh.

09 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng thủ dân sự

Điều 10 Luật Phòng thủ dân sự năm 2023 quy định tổ chức, cá nhân sẽ bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây trong phòng thủ dân sự: (1) Chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành, sự chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự của cơ quan hoặc người có thẩm quyền; từ chối tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp điều kiện thực tế cho phép; (2) Làm hư hỏng, phá hủy, chiếm đoạt trang thiết bị, công trình phòng thủ dân sự; (3) Gây ra sự cố, thảm họa làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người; thiệt hại tài sản của Nhà nước, Nhân dân, cơ quan, tổ chức, môi trường và nền kinh tế quốc dân; (4) Đưa tin sai sự thật về sự cố, thảm họa; (5) Cố ý tạo chướng ngại vật cản trở hoạt động phòng thủ dân sự; (6) Xây dựng công trình làm giảm hoặc làm mất công năng của công trình phòng thủ dân sự; xây dựng trái phép công trình trong phạm vi quy hoạch công trình phòng thủ dân sự, công trình phòng thủ dân sự hiện có; (7) Sử dụng trang thiết bị phòng thủ dân sự chuyên dụng không đúng mục đích khai thác, sử dụng không đúng công năng của công trình phòng thủ dân sự chuyên dụng; (8) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự; bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng thủ dân sự; lợi dụng sự cố, thảm họa để huy động, sử dụng nguồn lực cho phòng thủ dân sự không đúng mục đích; (9) Lợi dụng hoạt động phòng thủ dân sự hoặc sự cố, thảm họa để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Chính phủ là cơ quan chỉ đạo phòng thủ dân sự trên phạm vi cả nước

Điều 32 Luật Phòng thủ dân sự năm 2023 quy định về thẩm quyền chỉ đạo phòng thủ dân sự:

- Chính phủ chỉ đạo phòng thủ dân sự trên phạm vi cả nước.

- Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ chỉ đạo về phòng thủ dân sự.

- Các Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện phòng thủ dân sự trong lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.

- Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện phòng thủ dân sự tại địa phương theo quy định của pháp luật.

Dân quân tự vệ, dân phòng nằm trong lực lượng phòng thủ dân sự

Theo Điều 35 Luật Phòng thủ dân sự năm 2023, lực lượng phòng thủ dân sự bao gồm lực lượng nòng cốt và lực lượng rộng rãi. Cụ thể:

- Lực lượng nòng cốt bao gồm: Dân quân tự vệ, dân phòng và lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và của Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương.

- Lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia.

Quỹ phòng thủ dân sự là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách

Theo khoản 1 và 2 Điều 40 Luật Phòng thủ dân sự năm 2023, Quỹ phòng thủ dân sự là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương và cấp tỉnh để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự.

Quỹ phòng thủ dân sự được ưu tiên thực hiện các hoạt động: Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho đối tượng bị thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra và hỗ trợ tu sửa, làm nhà ở, cơ sở y tế, trường học tại địa điểm bị ảnh hưởng do sự cố, thảm họa gây ra.

Quỹ được hình thành từ: Đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và nguồn điều tiết từ các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.

Chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự

Điều 41 Luật Phòng thủ dân sự năm 2023 quy định lực lượng phòng thủ dân sự sẽ được hưởng các chế độ, chính sách:

- Người làm nhiệm vụ trực tại cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, ban chỉ huy phòng thủ dân sự Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, ban chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương các cấp được hưởng chế độ khi thực hiện nhiệm vụ.

- Người được điều động, huy động huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng trợ cấp; khi bị ốm đau, bị tai nạn, chết hoặc bị suy giảm khả năng lao động được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí, trường hợp chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được nhà nước hỗ trợ để bù đắp tổn hại về sức khỏe, tính mạng theo quy định của pháp luật; có thành tích thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ lực lượng phòng thủ dân sự có thành tích thì được khen thưởng; bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; người bị thương tích, tổn hại sức khỏe, tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Luật Phòng thủ dân sự được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20/6/2023. Luật gồm 07 Chương và 55 Điều, quy định nguyên tắc, hoạt động phòng thủ dân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự.

Phòng Văn hóa Và Thông tin

content:

content:

Album ảnh

portal-sessiontracking

Đang trực tuyến: 465
Số lượt truy cập: 4904643