Quận Ba Đình: Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 tăng 2 bậc
- content:
Những chuyển biến tích cực
Nhìn rộng ra giai đoạn 2021-2023, quận Ba Đình có chỉ số Cải cách hành chính cải thiện tích cực và thể hiện sự đồng đều: Năm 2021, Chỉ số cải cách hành chính của quận Ba Đình xếp thứ 10/30 quận, huyện; năm 2022 xếp thứ 8/30 quận, huyện; đến năm 2023 xếp thứ 6/30 quận, huyện.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa quận Ba Đình
Chỉ số CCHC trung bình của khối quận, huyện thuộc TP Hà Nội năm 2023 là 94,01% (tăng 1,26% so với năm 2022). Khối quận, huyện, thị xã, có 24/30 đơn vị có Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2022. Trong đó, huyện Ứng Hòa là đơn vị có giá trị điểm số tăng cao nhất với 5,03%.
Khối quận, huyện, thị xã có 5/8 chỉ số thành phần có giá trị trung bình tăng hơn so với năm 2022, bao gồm: “Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC” (tăng 1,41%); “Cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông” (tăng 1,00%), “Cải cách tài chính công” (tăng 2,88%), “Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số” (tăng 7,21%) và “Tác động CCHC đến phát triển kinh tế xã hội của TP” (tăng 6,88%).
Một số chỉ số thành phần về cải cách hành chính của quận Ba Đình có chuyển biến tích cực. Trong đó, “Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông” tăng từ 88,86% năm 2022 lên 98,36% năm 2023; “Chính quyền điện tử, chính quyền số” tăng từ 82,85% năm 2022 lên 97,96% năm 2023; “Tác động của CCHC đến người dân và phát triển KT-XH” tăng từ 98,5% năm 2022 lên 99,26% năm 2023.
Kết quả này cho thấy công tác cải cách hành chính của quận Ba Đình đã có những chuyển biến tích cực, thường xuyên đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo nguyên tắc 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả” gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; tiếp tục hoàn thiện quy trình nội bộ trong giải quyết công việc của các cơ quan, đơn vị thuộc quận.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, quận đã thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện rà soát thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của cấp quận, cấp phường trên tất cả các lĩnh vực đảm bảo kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Quận triển khai đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng tháng góp phần nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Ngoài ra, quận đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và phục vụ công tác CCHC, tiếp nhận và triển khai có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến cấp quận, cấp phường và phần mềm điện tử “Một cửa” dùng chung 3 cấp. Quận chủ động thực hiện chữ ký số chuyên dùng đáp ứng yêu cầu trao đổi văn bản giữa các cơ quan nhà nước thuộc quận dưới dạng điện tử. 100% văn bản được ký số bởi chữ ký chuyên dùng của Chính phủ. Cổng thông tin điện tử đã kịp thời đăng tải các nội dung cung cấp thông tin cho tổ chức, công dân...
Không ngừng nâng cao sự hài lòng của người dân
Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, năm 2023, quận Ba Đình đã sớm triển khai thực hiện Đề án mô hình Bộ phận “Một cửa” hiện đại của TP Hà Nội.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Cồ Như Dũng, quận Ba Đình đã hoàn thành việc triển khai bộ nhận diện thương hiệu trên toàn địa bàn quận theo quy chuẩn chung. Bộ nhận diện đã được ứng dụng trên các nội dung như: bảng niêm yết TTHC; logo nhận diện trên các thiết bị như máy gọi số, máy tra cứu thông tin; biển tên, thẻ đeo của công chức tại Bộ phận Một cửa.
Về điều kiện, hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết bị, hiện nay, Bộ phận Một cửa quận Ba Đình và 13/14 phường thuộc quận đều đã đảm bảo về diện tích. Bộ phận Một cửa quận và 14 phường thuộc quận đã được trang bị đầy đủ thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cho người dân.
Hằng năm, quận Ba Đình thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng giao tiếp, thái độ ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tiếp nhận và giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa.
Đáng chú ý, quận Ba Đình còn có nhiều mô hình, sáng kiến giải pháp CCHC được đánh giá cao như: Giải pháp Đặt hẹn trực tuyến trong tiếp nhận hồ sơ hành chính, Mô hình “Bộ phận làm ngay” trong giải quyết TTHC hay như sáng kiến tạo mã QR tra cứu và giải quyết hồ sơ TTHC đối với 100% các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của quận và phường,…
“Qua việc triển khai đề án xây dựng Bộ phận “Một cửa” hiện đại, hệ thống cơ sở vật chất, trang, thiết bị tại các bộ phận “một cửa” từ quận đến phường được đầu tư một cách thống nhất, đầy đủ, hiện đại đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời với các nội dung như triển khai bộ nhận diện thương hiệu, việc bố trí các không gian chung tạo môi trường thân thiện, gần gũi hướng tới mục tiêu “hành chính phục vụ”, xóa bỏ một số định kiến như “cơ quan công quyền”...." – Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Cồ Như Dũng nhấn mạnh.
“Sự hài lòng của người dân không chỉ bị ảnh hưởng từ các nhân tố về cơ sở vật chất còn chịu ảnh hưởng từ các nhân tố khác như, sự công khai, minh bạch về thông tin, quy trình thủ tục, phí, lệ phí và thái độ, tác phong của cán bộ, công chức trực tiếp tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Điều này có nghĩa là các tiêu chí “mềm” như quy trình, chính sách, thủ tục, kỹ năng/thái độ của cán bộ công chức có ý nghĩa lớn đối với sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp” – Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Cồ Như Dũng.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác CCHC trong thời gian tới, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, quận sẽ thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng giao tiếp, thái độ ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tiếp dân. Xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa ứng xử.
Ngoài ra, quận Ba Đình tiếp tục tăng cường các hình thức thông tin, tương tác với người dân. Nâng cao chất lượng các nội dung, chú trọng tuyên truyền về những giải pháp, lợi ích mà chính quyền cung cấp cho người dân, tổ chức trên địa bàn đặc biệt là việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và chuyển đổi số. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ để người dân thực sự có ký năng của công dân số, qua đó tích cực tham gia vào thực hiện dịch vụ công trực tuyến cũng như tham gia xây dựng chính quyền số.
Thủy Tiên- Kinh tế Đô thị