Bí thư Thành uỷ Hà Nội kiểm tra thực địa dự án đường Vành đai 1
- content:
Cùng đi có Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn.
Mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 7.211 tỷ đồng
Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP Hà Nội, dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục dài 2.274m, mặt cắt ngang B=50m. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình). Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án là hơn 7.211 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng chỉ 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 5.818 tỷ đồng được bố trí từ nguồn ngân sách TP.
Thông tin thêm về công tác triển khai dự án trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, trong phạm vi thực hiện dự án có khoảng 350 hộ dân thuộc khu vực Đầm Bầu, Đầm Tròn nằm trên địa bàn phường Ngọc Khánh có nguồn gốc là đất nông nghiệp và đất hồ ao công. Loại đất này khi thu hồi không đủ điều kiện bồi thường đất theo giá đất ở và chỉ được hỗ trợ theo tỷ lệ với giá đất ở nên số tiền hỗ trợ rất thấp, không đủ tiền để mua nhà tái định cư.
Còn Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, quận gặp vướng mắc về quy hoạch đối với 139 hộ với tổng diện tích 6.083m2 liên quan đến hạng mục bãi đỗ xe và cây xanh trong dự án dây dựng đường Vành đai 1 tại phường Ô Chợ Dừa.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn đánh giá, tiến độ triển khai dự án hiện đang rất chậm và vướng mắc hiện nay chủ yếu là công tác GPMB.
Đối với khó khăn của 139 hộ dân với tổng diện tích 6.083m2 liên quan đến hạng mục bãi đỗ xe và cây xanh trong dự án dây dựng đường Vành đai 1 tại phường Ô Chợ Dừa, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, khu vực này không ảnh hưởng đến chỉ giới đường đỏ của Dự án đường Vành đai 1 và TP sẽ xem xét dự án đầu tư bãi đỗ xe, cây xanh vào thời điểm thích hợp.
Ngoài ra, UBND TP cũng chỉ đạo Sở TN&MT khẩn trương tham mưu, đề xuất chính sách đặc thù của các loại đất nông nghiệp, đất công... đã áp dụng cho các dự án trên địa bàn TP để báo cáo UBND TP cho phép áp dụng cho dự án đường Vành đai 1. Bên cạnh đó, các địa phương cần cưỡng chế đo đạc, lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất, điều tra kiểm đếm đất và tài sản trên đất trên cơ sở chỉ giới đường đỏ của dự án đã được phê duyệt.
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án
Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực nội đô lịch sử. Đây là công trình trọng điểm của Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020-2025. Do đó việc càng kéo dài thời gian thực hiện dự án sẽ càng gây lãng phí về nguồn lực của TP trong khi hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông của khu vực nội đô ngày càng xuống cấp.
Đồng thời gây bất an, bức xúc cho người dân trong khu vực GPMB của dự án. Từ đó, Bí thư Thành ủy đề nghị cần quyết tâm cao thực hiện dự án, tạo chuyển biến, tạo sự đồng thuận thực sự trong hệ thống chính trị và người dân để giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Bí thư Thành ủy yêu cầu Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP phối hợp với các quận, sở, ngành đẩy nhanh tiến độ GPMB, hỗ trợ tái định cư. Trong đó cần xác định chuẩn chỉ giới đường đỏ, tổ chức phân kỳ quy hoạch; đền bù hỗ trợ GPMB, tái định cư gắn với cơ chế đặc thù.
Bí thư Thành ủy đề nghị cần nghiên cứu trên tinh thần cởi mở, vận dụng tối đa, cao nhất chính sách GPMB, tái định cư trên toàn dự án, chú trọng tạo sinh kế cho người dân yên tâm sinh sống ổn định, lâu dài sau khi bàn giao mặt bằng. Đồng thời,
các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cần vào cuộc để giải thích cặn kẽ, thỏa đáng về lợi ích của cộng đồng, quốc gia khi thực hiện dự án cho người dân hiểu và đồng thuận.
Bí thư Thành ủy cũng đề nghị các sở, ban, ngành tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP và các quận để thực hiện dự án. Bảo đảm cơ bản đủ vốn giải quyết dứt điểm GPMB, tái định cư của dự án. Bên cạnh đó, làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc, phân công phân nhiệm nhằm bảo đảm tiến độ dự án và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.