Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ không chuyên trách cơ sở
- content:
-
Ngày 16/9/2019, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án số 21-ĐA/TU về “Sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Theo đó, việc ban hành Đề án số 21-ĐA/TU nhằm thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, ngày 24/4/2019, của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND TP về số lượng, chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố…
Đối với phương án sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, Đề án 21 của Thành ủy nêu rõ, sắp xếp, bố trí tối đa 7 người hoạt động không chuyên trách/01 xã, phường, thị trấn để đảm nhiệm 10 chức danh theo hướng: Bố trí 2-3 người hoạt động không chuyên trách đảm nhiệm 2 chức danh không khuyến khích bố trí kiêm nhiệm, gồm Văn phòng Đảng ủy, Phó Chỉ huy quân sự. Bố trí 4-5 người hoạt động không chuyên trách và phân công một số cán bộ, công chức cấp xã để đảm nhiệm, kiêm nhiệm 8 chức danh không chuyên trách còn lại.
Đối với các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, theo Đề án 21-ĐA/TU, phương án sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố được thực hiện như sau: Sắp xếp, bố trí tối đa 2 người hoạt động không chuyên trách/01 thôn, tổ dân phố để đảm nhiệm, kiêm nhiệm 3 chức danh. Có thể bố trí Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố hoặc kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận (đối với thôn, tổ dân phố loại 1, không khuyến khích kiêm nhiệm chức danh Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố).
Như vậy, sau khi thực hiện Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND của HĐND TP và Đề án số 21-ĐA/TU của Thành ủy, tổng số người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn Thành phố sẽ giảm 33.583 người, kinh phí chi cho người hoạt động không chuyên trách giảm trên 263 tỷ đồng mỗi năm.
Thành ủy Hà Nội đánh giá, việc thực hiện Đề án số 21 sẽ làm giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách, góp phần tinh gọn hệ thống chính trị cơ sở, tăng mức thu nhập, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ người hoạt động không chuyên trách. Tuy nhiên, Đề án được thực hiện trong thời gian Thành phố chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, vì vậy, cần tập trung làm tốt công tác tư tưởng, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình tổ chức thực hiện. Thành ủy cũng yêu cầu việc thực hiện Đề án 21-ĐA/TU xong trước ngày 31/12/2019.
Thực hiện Hướng dẫn số 87-HD/BTGTU ngày 09/10/2019 của Ban Tuyên giáo Thành ủy về “ Hướng dẫn tuyên truyền thực hiện Đề án số 21-ĐA/TU ngày 16/9/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Sắp xếp, bố trí, kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội”; Đề án 02-ĐA/QU ngày 10/10/2019 của Quận ủy về “sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp phường, ở tổ dân phố và kiện toàn sáp nhập tổ dân phố trên địa bàn quận Ba Đình”, Ban Tuyên giáo Quận ủy hướng dẫn công tác tuyên truyền như sau:
- Thông qua công tác tuyên truyền nhằm làm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và những tác động tích cực của việc thực hiện chủ trương sắp xếp, bố trí, kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp phường, ở tổ dân phố trên địa bàn quận đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của địa phương; sự tinh gọn và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.
- Tập trung tuyên truyền làm cho nhân dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách thông suốt về nhận thức, thống nhất về tư tưởng và hành động trong chỉ đạo và thực hiện chủ trương của Thành phố và quận; tạo sự nhất trí, ủng hộ cao trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn quận.
- Công tác thông tin, tuyên truyền phải đóng góp tích cực vào việc tạo sự thống nhất tư tưởng, hành động và phản ánh kịp thời, trung thực, sinh động, theo sát lộ trình, yêu cầu, nhiệm vụ của Đề án số 21-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về sắp xếp, bố trí, kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố cũng như công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Cũng trong cuộc họp sáng 27/9, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Đề án số 21-ĐA/TU, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, nhiệm vụ này Hà Nội đã làm trước một bước, nay nâng cao hơn nữa về chất lượng, hiệu quả. Thành ủy đã triển khai thận trọng, bài bản, có lộ trình; đã triển khai làm điểm tại 5 quận, huyện, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm để nhân rộng.
Nhấn mạnh quan điểm, yêu cầu trong triển khai Đề án 21, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý các quận, huyện, thị xã phải có cách làm bài bản, khoa học, từng bước và thận trọng, giữ ổn định tình hình, hạn chế xáo trộn, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Nguyễn Sơn - Phòng VHTT