MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ NĂM 2024

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ số 42/2024/QH15 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 29/6/2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017, Trong đó, quy định nhiều điểm mới so Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017.
content:

1. Làm rõ quy định về quản lý, sử dụng dao có tính sát thương cao và bổ sung vào nhóm vũ khí thô sơ

Theo đó Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2024 quy định dao có tính sát thương cao khi sử dụng với mục đích để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ là vũ khí thô sơ; khi đối tượng sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng.

Dao có tính sát thương cao khi sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày thì không quy định là vũ khí. Tuy nhiên, để đảm bảo quản lý chặt chẽ loại phương tiện có tính chất lưỡng dụng này, phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ sử dụng dao có tính sát thương cao nhằm mục đích vi phạm pháp luật, Luật đã giao Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao để thực hiện từ ngày 01/01/2026; các biện pháp bảo đảm an toàn phải phù hợp với thực tiễn, không gây cản trở đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân; đồng thời, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao có trách nhiệm cung cấp thông tin về số lượng, chủng loại sản phẩm, nhãn hiệu, tên cơ sở sản xuất khi có yêu cầu của cơ quan Công an nơi tổ chức, cá nhân đóng trụ sở, nơi sản xuất, kinh doanh hoặc nơi cư trú để phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự.

2. Bổ sung thêm các loại vũ khí quân dụng

          Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 chỉ quy định một số loại vũ khí là súng săn (súng kíp, súng hơi), vũ khí thể thao (súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay). Việc quy định như trên đã không bao quát đầy đủ các loại súng nên thực tế còn rất nhiều loại súng bắn đạn ghém, súng nén khí, súng nén hơi không được quy định trong Luật này gây khó khăn trong công tác quản lý, xử lý vi phạm của cơ quan chức năng. Để khắc phục hạn chế trên Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ năm 2024 đã quy định bổ sung các loại súng bắn đạn ghém, súng kíp, súng nén khí, súng nén hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này vào nhóm vũ khí quân dụng. Ngoài ra, Luật cũng quy định linh kiện cơ bản của súng bao gồm: thân súng, nòng súng, bộ phận cò, bộ phận khóa nòng, kim hỏa.

Công an quận Ba Đình tiếp nhận vũ khí thô sơ do người dân giao nộp

3. Bổ sung quy định về tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ

 Theo đó đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ nhằm tạo cơ chế pháp lý để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam được tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ; đồng thời, quản lý chặt chẽ số vũ khí do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ được quy định tại  Điều 15 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024:

1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có chức năng nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc cơ quan, tổ chức được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của Luật này được tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ.

2. Việc tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm các điều kiện như sau:

a) Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan;

b) Vũ khí, công cụ hỗ trợ tiếp nhận phải bảo đảm phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

c) Chỉ được tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ để nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, trang bị, sử dụng hoặc trưng bày, triển lãm theo quy định của Luật này;

d) Vũ khí, công cụ hỗ trợ tiếp nhận phải rõ nguồn gốc, xuất xứ và bảo đảm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

4. Thủ tục tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện như sau:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu tiếp nhận và tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ; lý do; số lượng, chủng loại, nhãn hiệu vũ khí, công cụ hỗ trợ; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số Hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật;

b) Văn bản đề nghị quy định tại điểm a khoản này nộp tại cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận văn bản đề nghị, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, sau khi tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ để sử dụng thì phải làm thủ tục đề nghị cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng theo quy định tại các điều 21, 26 và 55 của Luật này.

6. Thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”

4. Thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

Để thực hiện cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được xây dựng theo hướng cắt giảm các loại giấy tờ trên trong hồ sơ thủ tục hành chính và thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công Bộ Công an; các bộ, ngành, địa phương khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính phải khai thác, chia sẻ dữ liệu về công dân, doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 để phục vụ công tác đăng ký, quản lý cấp các loại giấy phép về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, trong đó cắt giảm các giấy tờ như: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự; Căn cước công dân; các quyết định phê duyệt, hồ sơ, giấy tờ chứng minh các điều kiện hoạt động….Đồng thời, quy định giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ không có thời hạn và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụngquá trình thực hiện thấy, các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ đã được cấp giấy phép sử dụng không có sự thay đổi về chủng loại, nhãn hiệu, ký hiệu, số hiệu và không thay đổi về thông tin của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, quản lý, sử dụng; hàng năm cơ quan quản lý cấp phép thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị; trong khi đó, việc cấp đổi giấy phép sử dụng phát sinh nhiều chi phí, thời gian, nhân lực.

5. Tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu vật liệu nổ công nghiệp trên cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; Bộ Công Thương quy định việc đăng ký sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp mới sản xuất, sử dụng tại Việt Nam; bỏ quy định chủng loại sản phẩm, quy mô sản xuất phải phù hợp với định hướng phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp; quy định tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không hết bán lại cho tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp hoặc được phép tiêu huỷ; bổ sung quy định về điều chỉnh cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; sửa đổi quy định cho phép giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp có giá trị cho lượt vận chuyển đi và vận chuyển về đối với trường hợp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không hết.

Ngoài ra, tại 14 Công an phường thuộc quận Ba Đình đều bố trí các điểm tiếp nhận, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Công an quận mong nhận được sự quan tâm phối hợp của người dân, thực hiện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hiện đang lưu giữ trên địa bàn, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, nhất là các sự kiện, hoạt động chào mừng ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 02/9 và kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024)

Nguyễn Hoa- Công an quận Ba Đình

content:

content:

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến: 1335
Số lượt truy cập: 5042207