Từ hôm nay (11/10), cấm đường phục vụ phố đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh
- content:
Hồ Ngọc Khánh có diện tích khoảng 3,6ha, chu vi khoảng 750m, nằm trên địa bàn phường Ngọc Khánh, trung tâm quận Ba Đình.
Bắt đầu từ hôm nay (11/10), được sự thống nhất của Sở GTVT Hà Nội, UBND quận Ba Đình sẽ điều chỉnh tổ chức giao thông trên một số tuyến phố lân cận phục vụ hoạt động Khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh.
Khi đi vào hoạt động, phố đi bộ hồ Ngọc Khánh và phụ cận sẽ là phố đi bộ thứ hai được tổ chức trên địa bàn quận Ba Đình và là tuyến phố đi bộ thứ 7 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cụ thể, từ 18 giờ ngày thứ Sáu đến 24 giờ ngày Chủ nhật hàng tuần, tuyến phố Phạm Huy Thông, các ngõ 535, 575, 523 phố Kim Mã và ngõ 998 La Thành sẽ tổ chức cấm đường và phân luồng giao thông để phục vụ hoạt động của Khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh.
Phương án điều chỉnh tổ chức giao thông này sẽ được triển khai thực hiện đến khi hết thời gian thí điểm (12 tháng).
UBND quận Ba Đình có trách nhiệm chủ trì, chỉ đạo bố trí các vị trí chốt trực, lực lượng ứng trực tại các vị trí chốt; có phương án bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp xảy ra các tình huống khẩn cấp.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông hướng dẫn phân luồng, bảo đảm an toàn và tránh gây ùn tắc giao thông.
Đặc biệt, quận cần bố trí, sắp xếp các vị trí trông giữ xe đúng quy định, bảo đảm an toàn giao thông. Mặt khác thường xuyên theo dõi, đánh giá và chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để điều chỉnh, bổ sung các vị trí trông giữ xe, đồng thời tổ chức giao thông sao cho phù hợp trong trường hợp phát hiện bất cập.
Hình ảnh thiết kế độc đáo về binh lính luyện tập võ thuật được tái hiện trên các trụ đèn chiếu sáng, đá lát vỉa hè,.. Phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh là công trình chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Dự án có tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách quận Ba Đình.
Quá trình thực hiện dự án, đơn vị chủ đầu tư đã cải tạo hạ tầng kỹ thuật, góp phần tăng cường năng lực tiêu thoát nước mưa; bảo đảm mỹ quan đô thị. Cùng với đó, tạo thêm tuyến phố gắn với các dịch vụ phục vụ người dân nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện cho kinh doanh dịch vụ trong khu vực phát triển; tạo cảnh quan đẹp, văn minh và thư giãn cho người dân đi bộ, vui chơi...
Với mong muốn gìn giữ giá trị lịch sử của vùng đất xưa, công tác cải tạo, chỉnh trang hạ tầng, kiến trúc đô thị tại khu vực hồ Ngọc Khánh và phụ cận được quận Ba Đình quan tâm đến những chi tiết gợi nhớ về Giảng Võ Đường. Trong quá khứ, nơi đây vốn là địa điểm quan trọng ở Thăng Long xưa khi là khu vực luyện tập võ thuật, giảng dạy binh pháp, thao diễn quân sự cao cấp của các triều đại phong kiến. Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi các sự kiện năm 1010, nhà Lý cho lập điện Giảng Võ; năm 1070 lập Xạ Đình. Tháng 8/1253, vua Trần Thái Tông lập Giảng Võ Đường làm nơi học tập của các tướng lĩnh.