KHÔNG CHẤP HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CÁCH LY PHÒNG CHỐNG DỊCH CÓ THỂ BỊ XỬ PHẠT ĐẾN 12 NĂM TÙ
- content:
Do đó, chấp hành nghiêm túc các quy định về cách ly y tế là hết sức cần thiết. Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch nhóm A và một số bệnh nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly. Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.
Nếu không tự nguyện chấp hành hoặc bỏ trốn khỏi nơi cách ly thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính 5.000.000-10.000.000 đồng và tiếp tục bị buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Không chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, tùy theo mức độ, hậu quả của hành vi trốn tránh cách ly y tế mà cá nhân thực hiện hành vi này còn có thể bị xử lý hình sự, theo hướng dẫn số số 45/TANDTC-PC Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (45TANDTC-PC2020).
Cụ thể, trường hợp người nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh phải cách ly mà không tự nguyện chấp hành hoặc bỏ trốn khỏi nơi cách ly dẫn đến lây nhiễm bệnh cho người khác sẽ bị xử lý hình sự và bị phạt tiền 50.000.000 - 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 của Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Đặc biệt, người làm lây lan dịch bệnh còn có thể bị phạt tù 5 năm đến 10 năm nếu phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết người; bị phạt tù 10 năm đến 12 năm nếu phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 2 người trở lên.
Như vậy, việc trốn tránh cách ly y tế là việc làm hết sức nguy hiểm, trực tiếp đe dọa đến sự an toàn của cộng đồng xã hội. Đối với những cá nhân cố tình vi phạm các quy định về cách ly y tế, các cơ quan chức năng cũng cần áp dụng các chế tài pháp lý ở mức nghiêm khắc nhất để làm gương, tăng tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung trong cộng đồng.
Trong tình hình cơn đại dịch Covid-19 vẫn còn đang trong giai đoạn diễn biến hết sức phức tạp, thì việc mọi người cùng chung tay nâng cao ý thức phòng, chống có hiệu quả căn bệnh nguy hiểm này là hành động hết sức nhân văn, bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. Việc tự nguyện khai báo y tế theo mẫu khuyến cáo của Bộ Y tế; chủ động và tự giác cách ly (thậm chí là cách ly bắt buộc vào khu tập trung), nếu thấy có những triệu chứng bất thường hoặc nghi ngờ về tình trạng sức khỏa của bản thân và người thân, khi đã được ngành chức năng yêu cầu; thực hiện đúng những khuyến cáo của ngành y tế để đề phòng dịch bệnh… Hành động đó, không những là trách nhiệm đối với cộng đồng, mà còn là để tránh cho bản thân phải vi phạm pháp luật.
PHÒNG TƯ PHÁP