Tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh
- content:
-
Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn quận Ba Đình đã xảy ra một số vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Điển hình trong tháng 9 năm 2019 xảy ra 02 vụ cháy nghiêm trọng cụ thể như sau:
- Hồi 10 giờ 12 phút ngày 10/9/2019 xảy ra vụ cháy tại số 8 ngõ 12 Núi Trúc, đây là ngôi nhà được sử dụng để ở và kết hợp kinh doanh cửa hàng bán quần áo, được xây dựng 05 tầng, 1 tầng lửng, với diện tích khoảng 25m2/ tầng; khu vực xảy ra cháy ban đầu được xác định tại tầng lửng sau đó cháy lan xuống tầng 1 và cháy lan lên các tầng trên. Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an quận Ba Đình phối hợp Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an quận Đống Đa triển khai đội hình phun nước chữa cháy và tìm kiếm người bị nạn trên các tầng cao, qua đó đã cứu được 04 nạn nhân (trong đó có 01 nạn nhân bị ngạt khói nặng tại tầng 4 là anh Nguyễn Hoàng Giang sinh năm 2001 là cháu ngoại của Bà Nguyễn Thị Thanh chủ ngôi nhà xảy cháy).
- Hồi 07 giờ 45 phút ngày 15/9/2019 xảy ra vụ cháy nhà dân tại số 594 Đê La Thành. Hiện trường vụ cháy là ngôi nhà được xây dựng 04 tầng 1 tum, có diện tích khoảng 95m2, được sử dụng làm nơi kinh doanh đồ nội thất (tầng 1, 2) và nơi ở gia đình (tầng 3, 4). Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an quận Ba Đinh phối hợp với Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an quận Đống Đa triển khai đội hình chữa cháy và tìm kiếm người bị nạn.
Để đảm bảo an toàn PCCC, Công an quận Ba Đình – Công an Thành phố Hà Nội phối hợp với UBND các Phường khuyến cáo đến người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở; chủ hộ gia đình và người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy ở nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ với số lượng ít nhất.
2. Ôtô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bế đun nấu, nguồn sinh nhiệt; thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu ... phải kín.
3. Phải lắp thiết bị tự ngắt (atomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn; không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn neon (khoảng cách tối thiểu là 0,5m), không dùng nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của các thiết bị và dây dẫn. Không dùng đinh, dây thép để buộc giữ dây điện, không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn, câu mắc điện tùy tiện;
4. Thiết kế, lắp đặt hệ thống chống sét phù hợp với từng loại nhà, công trình và định kỳ kiểm tra, đo điện trở chống sét trước mùa mưa bão đảm bảo theo quy định.
5. Khi sử dụng bàn là, bếp đun nấu .... phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người tâm thần sử dụng các thiết bị điện. Trước khi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết. Thường xuyên tự kiểm tra hệ thống điện, hệ thống Gas để kịp thời khắc phục các sơ hở thiếu sót nhằm hạn chế nguy cơ cháy, nổ xảy ra.
6. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật liệu không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương nến để trên bàn thờ. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.
7. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở ban công, logia của nhà. Trường hợp đã lắp thì có cửa chốt trong và không được khóa. Nên chuẩn bị sẵn thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không khóa cửa phòng của những người trên.
8. Chuấn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn. Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô, thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt vừa phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải học tập để biết cách sử dụng các dụng cụ chữa cháy được trang bị. Thường xuyên tự kiểm tra các phương tiện chữa cháy và các dụng cụ phá dỡ để kịp thời khắc phục những hư hỏng để thay thế các dụng cụ mới đáp ứng được yêu cầu chữa cháy và phá dỡ tạo lỗi thoát nạn.
9. Đối với loại hình nhà ống chủ hộ gia đình, chủ cơ sở và các cơ quan tổ chức lập hồ sơ thiết kế và gửi cơ quan Cảnh sát PC&CC để thẩm duyệt, nghiệm thu và cho ý kiến về các giải pháp an toàn về PCCC theo quy định. (Đối với các công trình thuộc diện phải thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo phụ lục IV – NDD79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ).
10. Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, triệt để tuân thủ các quy định về PCCC, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện chữa cháy, thoát nạn để kịp thời sử dụng khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Tích cực tham gia các lớp tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC do Công an quận Ba Đình tổ chức tại các khu dân cư, tổ dân phố để nắm được các kỹ năng về PCCC.
11. Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát PC&CC theo số 114 đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.
Các kỹ năng thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy nổ
1. Khi phát hiện có cháy xảy ra trong hộ gia đình, nhất là hộ gia đình có kiểu nhà ống, nhà kín có một lối thoát nận duy nhất là cửa chính nơi mặt tiền, hãy bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình để mau chóng di chuyển ra ngoài, ra nơi an toàn qua cửa chính (nếu có thể)
2. Trường hợp lối cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm háy nhanh chóng tìm và mở lối thoát nạn khác: Qua ban công, cửa sổ sang nhà bên cạnh hoặc nếu thoát xuống mặt đất bằng thang dây hoặc trỗ thoát lên mãi nếu là mái nhà kết cấu bằng các loại tấm lợp; tuyệt đối không núp trong nhà vệ sinh. Trường hợp không còn lỗi thoát nào khác hãy bình tĩnh dùng chăn ẩm ướt, hoặc băng dính bịt kín các khe cửa để tránh khói khi độc tràn vào phòng và ở nguyên tại phòng chờ lực lượng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đến để đưa ra nơi an toàn.
3. Trong quá trình thoát hiểm ở vùng có nhiều khói, hãy dùng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi và cúi thật thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến lối thoát nạn an toàn.
Phòng Văn hóa và Thông tin