Hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, gắn với đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc các vấn đề lý luận, thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay
- content:
Lựa chọn con đường quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đi lên CNXH là con đường cách mạng đúng đắn duy nhất, là sự lựa chọn của chính lịch sử dân tộc và phù hợp với quy luật phát triển tất yếu, khách quan của Việt Nam.
Tuy nhiên, thời gian qua, xuất hiện các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận con đường đi lên CNXH ở nước ta. Cụ thể, họ cho rằng, Việt Nam không có được sự ủng hộ kịp thời của Cách mạng XHCN ở một nước hay một số nước tiên tiến, tức là Việt Nam đã mất đi một trong 3 điều kiện cần thiết, điều đó sẽ tất yếu dẫn đến việc đi lên CNXH ở Việt Nam không thành công. Nói như vậy, chẳng lẽ từ bỏ con đường cách mạng đúng đắn đang đi? Câu trả lời là không bao giờ! Đó chỉ là luận điệu của các thế lực thù địch nhằm chống phá con đường cách mạng nước ta, hoặc là của một bộ phận cá nhân nhận thức không đúng về CNXH, lập trường và bản lĩnh chính trị không vững vàng, biểu hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị.
Khi nghiên cứu tình hình nước Nga thế kỷ XIX, C.Mác và Ăngghen đã nêu ra những luận điểm như: Những nước lạc hậu có thể bước vào “con đường phát triển rút ngắn”, có thể “chuyển thẳng” lên hình thức sở hữu cộng sản chủ nghĩa “bỏ qua toàn bộ thời kỳ tư bản chủ nghĩa”, có thể không cần phải trải qua những đau khổ của chế độ đó, có thể rút ngắn một cách đáng kể quá trình phát triển của mình để đi lên CNXH và có thể tránh được phần lớn những đau khổ và những cuộc đấu tranh mà Tây Âu đã phải trải qua.
Kế thừa chủ nghĩa Mác và trên cơ sở kết quả nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Lê Nin đã phát hiện ra và luận giải rõ về quy luật phát triển không đều của CNTB trong thời kỳ thống trị của tư bản tài chính, từ đó đã phát triển sáng tạo lý luận cách mạng xã hội chủ nghĩa của Chủ nghĩa Mác và khẳng định: Cách mạng vô sản có thể thắng lợi đầu tiên ở một nước. Sau này, trong điều kiện phát triển mới của chủ nghĩa tư bản, đặc biệt với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, V.I.Lênin có điều kiện và cơ sở để phát triển quan điểm đó của C.Mác. V.I.Lênin cho rằng: “với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, các nước lạc hậu có thể tiến tới chế độ Xô viết, và qua những giai đoạn phát triển nhất định, tiến tới chủ nghĩa cộng sản, không phải trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”.
Vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác Lê Nin vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam, chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Việt Nam có thể và cần phải đi lên chủ nghĩa xã hội. Người viết: “Cách mạng Tháng Mười thành công. Cuộc xây dựng CNXH của Liên Xô thành công. Cách mạng Trung Quốc thành công. Những thành công vĩ đại ấy mở đường cho sự thành công của cách mạng nước ta và nhiều nước khác trên thế giới”. Tuy nhiên, sau đó, sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu đã giáng một đòn nặng nề không chỉ vào chính mô hình CNXH của Liên Xô và các nước Đông Âu, mà còn khiến nhiều người dao động, bi quan, nghi ngờ sự đúng đắn của học thuyết Mác - Lênin và hệ tư tưởng XHCN.
Mặc dù như vậy, chúng ta cần hiểu, sự ủng hộ kịp thời của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở một nước hay một số nước tiên tiến đó chỉ là điều kiện bên ngoài, để đảm bảo cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi tại các dân tộc chưa qua phát triển tư bản chủ nghĩa, các điều kiện bên trong mới có tính quyết định, các điều kiện bên trong bao gồm:
Thứ nhất, có chính quyền Công – Nông, “thực tế gần một thế kỷ qua cho thấy, ở Việt Nam không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách cam go để đưa dân tộc đến bến bờ vinh quang, giành được hết thắng lợi này đến thành công khác”...;
Thứ hai, có sự liên minh của giai cấp vô sản đang nắm chính quyền với đại đa số Nông dân, mà ở nước ta đó chính là khối đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo.
Đảng ta cũng từng chỉ rõ, sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu đó là sự sụp đổ của một mô hình xây dựng CNXH hiện thực, chứ không phải là sự sụp đổ của một học thuyết khoa học và cách mạng. Bởi ngày nay, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển của công nghệ số và những đột phá trên nhiều lĩnh vực đang mang đến thời cơ mới cho phát triển bứt phá đối với mọi quốc gia. Xu thế toàn cầu hóa, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng tăng lên tuy có chứa đựng những nguy cơ và thách thức. Tổng kết 35 năm đổi mới, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Điều này thể hiện, khi Việt Nam tổ chức Đại hội XIII của Đảng đã có 298 thư, điện mừng của 149 đảng, 6 tổ chức khu vực và quốc tế, 93 tổ chức hữu nghị, Nhân dân, 25 đoàn ngoại giao, 16 cá nhân từ 92 quốc gia gửi đến đều cùng chung một thông điệp, đó là tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác với Ðảng, Nhà nước và Nhân dân ta, đồng thời bày tỏ sự quan tâm sâu sắc và gửi lời chúc thành công tới Ðại hội. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong một bài phát biểu: “Công tác đối ngoại chúng ta thu được rất nhiều kết quả to lớn, chúng ta không bao giờ quên ơn sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế trong cuộc kháng chiến, mấy cuộc kháng chiến chống thực dân bảo vệ nền độc lập tự chủ của chúng ta. Tham gia hầu hết tất cả các tổ chức quốc tế, từ Liên hiệp quốc, đến các tổ chức ở khu vực. Vừa mới đây thôi, chúng ta được bầu là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, gần như tuyệt đối. Một điểm ví dụ ấy thôi để thấy uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế như thế nào”.
Bên cạnh đó, nhận xét về Việt Nam, tờ báo cánh tả People’s World của Mỹ cho rằng: “Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ trên trường quốc tế, trở thành quốc gia hùng mạnh cả về kinh tế và ngoại giao”. Tờ The Straits Times nhật báo tiếng Anh, được xuất bản tại Singapore, khẳng định: “Vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế đã gia tăng trong những năm gần đây. Trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020, Việt Nam đã dẫn dắt tổ chức khu vực này vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng Covid-19 và giúp kinh tế toàn khu vực vượt qua vạch đích để ký được hiệp định”.
Xã hội XHCN mà Nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng có đề ra 8 mục tiêu trong đó có mục tiêu: Việt Nam có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới; vì vậy, ngoài việc chủ động hội nhập với các quốc gia, khu vực trên thế giới, nước ta cũng đang tiếp tục có được những nguồn lực phong phú, hết sức to lớn, có những nguồn lực không bao giờ cạn đó là sự ủng hộ của các quốc gia yêu chuộng hòa bình trên thế giới, của các quốc gia có cùng thị trường chung và cùng chia sẻ với chúng ta những lợi ích chung về kinh tế - văn hóa - chính trị. Rõ ràng, mặc dù không có sự sự ủng hộ kịp thời của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở một nước hay một số nước tiên tiến, song chúng ta vẫn đang có đủ 3 điều kiện trên con đường quá độ đi lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN.
Như vậy, bằng sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt chủ nghĩa Mác Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh cụ thể từng giai đoạn cách mạng của đất nước, Đảng ta đã và đang tiếp tục xác định đúng đắn hơn những chặng dường, những yếu tố cần thiết của thời kỳ quá độ lên CNXH từ đó khẳng định Việt Nam tiếp tục kiên định con đường đi lên CNXH mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn, như phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên bế mạc Đại hội XIII của Đảng: “Đảng ta tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nguyễn Thị Hoa – Chi bộ 9, Đảng ủy P. Ngọc Hà, Q. Ba Đình
(Tác giả đạt giải Ba cấp Thành phố Cuộc thi Chính luận và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Ba năm 2023)