Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long

19C Hoàng Diệu, Điện Biên, Ba Đình
content:

1.Giới thiệu tổng quan về di tích

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long và tỉnh thành Hà Nội bắt đầu từ thời kì tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ VII) qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Tại kỳ họp lần thứ 34 tại Braxin ngày 31/7/2010, Ủy ban Di sản Thế giới họp đã công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới với các tiêu chí giá trị: minh chứng cho sự giao lưu giữa các ảnh hưởng đến chủ yếu từ Trung Quốc ở phía Bắc và Vương quốc Champa ở phía Nam; minh chứng cho truyền thống văn hóa lâu dài của người dân Việt được thành lập ở đồng bằng sông Hồng, đó là một trung tâm quyền lực liên tục từ TK 7 cho đến tận ngày nay; liên quan trực tiếp tới nhiều sự kiện văn hóa - lịch sử quan trọng.

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được ghi vào Danh mục Di sản Thế giới là một sự kiện có ý nghĩa cực kỳ to lớn đối với Việt Nam, thể hiện những bước đi vững chắc của chúng ta trong công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị đối với di tích đặc biệt quan trọng này.

Hiện nay, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (bao gồm thành cổ Hà Nội và di tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) nằm trên một khuôn viên khá rộng: 18,395ha, thuộc địa bàn phường Điện Biên và Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, được giới hạn bởi:

Phía Bắc giáp: đường Phan Đình Phùng và đường Hoàng Văn Thụ.

Phía Tây giáp: đường Hoàng Diệu, đường Độc Lập và khuôn viên Nhà Quốc hội mới.

Phía Nam giáp: đường Bắc Sơn và khuôn viên Nhà Quốc hội mới.

Phía Tây Nam giáp: đường Điện Biên Phủ.

Phía Đông giáp: đường Nguyễn Tri Phương.

Lý Thái Tổ - vị Vua sáng lập triều Lý đã chọn Đại La, vốn là trung tâm kinh tế, văn hóa của đất nước thời đó, để xây dựng kinh đô mới. Năm 1010, việc rời đô từ Hoa Lư ra Đại La đã được thực hiện. Kinh đô mới được đặt tên là Thăng Long. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, thành Thăng Long liên tục giữ vị trí là kinh đô của đất nước. Theo các sách Việt sử lượcĐại Việt sử ký toàn thư thì: Sau khi định đô ở Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã cho xây dựng quần thể kiến trúc cung điện, mà trung tâm là điện Càn Nguyên, làm chỗ coi chầu, bên tả làm điện Tập Hiền, bên hữu làm điện Giảng Võ. Phía trước là Long Trì (Ao rồng), lại mở cửa Phi Long thông với cung Nghinh Xuân, cửa Đan Phượng thông với cửa Uy Viễn, chính hướng Nam là điện Cao Minh, thềm gọi là thềm rồng; bên trong thềm rồng có mái cong, hàng hiên bao quanh bốn mặt. Sau điện Càn Nguyên dựng hai điện là Long An và Long Thụy làm nơi nghỉ ngơi; bên tả làm điện Nhật Quang, bên hữu làm điện Nguyệt Minh; đằng sau dựng hai cung Thuý Hoa và Long Thụy làm chỗ cho cung nữ, phía Đông gọi là cửa Tường Phù, phía Tây gọi là cửa Quảng Phúc, phía Nam gọi là cửa Đại Hưng, phía Bắc là cửa Diệu Đức. Ở trong thành làm chùa Hưng Thiên Ngự và lầu Ngũ Phượng Tinh, bên ngoài thành làm chùa Thắng Nghiêm ở phía Nam. (Càn là một trong bát quái, tượng trưng cho dương tính, cương kiện. Càn là Trời, là vua, là cha.  Nguyên là bắt đầu, là đệ nhất, là thiên địa vạn vật, là bản nguyên).

Năm 1027, điện Càn Nguyên bị sét đánh gây hư hỏng nặng và đã bị phá bỏ trong vụ “loạn tam vương” (1028). Đến năm Thiên Thành thứ hai (1029) vua Lý Thái Tông thấy rồng hiện ở nền cũ điện Càn Nguyên, nên đã cho xây dựng lại chính điện trên đó và đổi tên là điện Thiên An. Đồng thời một loạt cung điện mới được xây dựng xung quanh điện này, bên trái là điện Tuyên Đức, bên phải là điện Diên Phúc, phía trước điện Thiên An là Long Trì. Hai bên tả hữu Long Trì đặt lầu chuông để dân ai có việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông lên. Bốn xung quanh Long Trì có hành lang để các quan hội họp và cấm quân túc vệ. Phía trước là điện Phụng Thiên, trên điện dựng lầu Chính Dương làm nơi giữ giờ khắc. Phía sau dựng điện Trường Xuân, trên điện dựng gác Long Đồ làm nơi nghỉ ngơi ngắm cảnh. Bên ngoài đắp tường thành quây lại gọi là Long Thành, tiền thân của Long Phượng Thành, Cấm Thành ở các thời Trần, Lê. 

Đến cuối thời Lý, xảy ra nhiều cuộc chính biến tranh giành quyền lực, khu vực Cấm Thành trong thành Thăng Long đã bị tàn phá rất nhiều. Khi xác lập được quyền bính trong tay, các vua Trần đã cho xây dựng, sửa sang lại Hoàng Cung, Cấm Thành. Trong thành nội, từ năm 1230, lập cung điện, lầu gác làm nơi thiết triều, phía Đông phía Tây làm hành lang, giải vũ. Bên trái là cung Thánh Từ - nơi Thượng Hoàng ở, bên phải là cung Quan Triều - nơi vua ở.

Năm 1243, xây nội thành gọi là Long Phượng. Nguyên sử chép về thành Long Phượng khi quân Nguyên tiến chiếm năm 1285 như sau: "Cung thất có 5 cửa, trên đề Đại Hưng  môn, có cửa nách ở bên phải và bên trái. Chính điện có 9 gian đề Thiên An ngự điện, cửa chính Nam đề Triều Thiên các". Thực ra, cửa Đại Hưng là cửa Nam của Hoàng Thành ở khoảng chợ Cửa Nam bây giờ, cửa làm theo kiểu tam quan, lại kèm thêm hai cửa nách nên gọi là "ngũ môn". Trên cửa có lầu. Qua cổng Nam của Hoàng Thành đi sâu vào bên trong, phải qua một cổng nữa mới tới chính điện của Hoàng cung. Cổng đó cũng ở chính Nam, gọi là Dương Minh môn, trên cổng có gác, gọi là Triều Thiên các. Cửa nách bên trái gọi là Nhật Tân môn, cửa nách bên phải gọi là Vân Nội môn, bên trong có "Thiên Tỉnh" điện Tập Hiền, trên điện có gác lớn gọi là Minh Linh các, từ phía bên phải đi tới còn thấy một điện lớn nữa gọi là Đức Huy điện, cửa bên trái gọi là Đông Lạc môn, cửa bên phải là Kiều Ứng môn.

Ngoài các cung điện mô tả ở trên, trong Hoàng cung còn có nhiều cung điện khác. Điện Diên Hồng là nơi diễn ra Hội nghị Diên Hồng thời Trần nổi tiếng trong lịch sử. Điện Diên Hồng, điện Bát Giác là nơi vua thiết yến các quan. Vọng lâu là nơi vua ngự xem lính đấu nhau với voi, hổ.

Kiến trúc trong Hoàng Cung, Cấm Thành đời Trần có thể tóm lược như sau:

- Cửa thành: Đầu là lối cửa tam quan, dưới là cổng (một chính, hai phụ), trên là gác hai lầu. Cửa rộng và sâu nên phía trên lầu gác cũng khang trang rộng rãi, vua quan có thể tổ chức hội họp, yến tiệc…

- Điện: Xây trên nền cao, phải bước qua nhiều bậc mới lên tới điện. Nhiều điện kiến trúc hai tầng, dưới là điện trên là gác.

Điện đều có hành lang rộng, đảm bảo thoáng mát, trên hành lang có thể bày tiệc được.

Trong 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông (1258, 1285, 1288) thành quách, lâu đài, cung điện đã bị giặc đốt phá. Tiếp đến vào các năm 1371, 1378 quân Chiêm Thành đánh vào Thăng Long, một lần nữa những lầu son gác tía lại chịu cảnh tàn phá.

Sang thời kỳ nhà hậu Lê, sau khi đánh đuổi giặc Minh, thống nhất non sông đất nước, vua Lê Thái Tổ vẫn giữ Thăng Long làm kinh đô và bắt đầu tiến hành việc xây dựng lại các cung điện. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, điện Kính Thiên được xây dựng vào năm 1428 đời vua Lê Thái Tổ, công việc được tiến hành trong nhiều năm và hoàn thiện vào đời vua Lê Thánh Tông. Điện Kính Thiên được xây dựng trên núi Nùng (một biểu tượng về hình thế tự nhiên của Thăng Long) ngay trên nền cũ của chính điện Càn Nguyên, Thiên An thời Lý. Phía trước điện Kính Thiên có điện Thị Triều, phía Đông là điện Vạn Thọ, phía Tây là điện Chí Kính.

Năm 1490, vua Lê Thánh Tông đã "nhân theo quy chế cũ nhà Lý, nhà Trần" sai quân đắp thêm "Phượng Thành" ra ngoài trường đấu võ. Năm 1514, để thoả mãn nhu cầu ăn chơi xa xỉ, vua Lê Tương Dực lại "đắp thành bao sông Tô Lịch", "sông dài mấy nghìn trượng, bao vây cả điện Tường Quan, quán Trấn Vũ, chùa Thiên Hoa ở phường Kim Cổ, trên đắp Hoàng Thành, dưới làm cửa cống, lấy ngói vỡ và đất đá nện xuống, lấy đá phiến gạch vuông xây nền, lấy sắt xâu ngang". Đây là Hoàng Thành có diện tích và chu vi lớn nhất so với Hoàng Thành Thăng Long ở các thời kỳ trước và sau đấy.

Thời Lê sơ, điện Kính Thiên là nơi vua thiết triều. Thời Lê Trung Hưng, với sự hiện diện của lầu Kính Thiên trong phủ chúa Trịnh, điện Kính Thiên được sử dụng làm nơi thờ trời đất và diễn ra những nghi thức quan trọng như lễ lên ngôi và ban chiếu, lễ thánh thọ, lễ tiết chính đán…      

Sang thế kỷ 18, Hoàng Cung không được tu sửa thường xuyên do quyền hành vào tay chúa Trịnh. Phủ chúa ngoài Hoàng Thành được mở rộng còn tường Hoàng Thành thì bị sụt lở nhiều.

Cuối thế kỷ 18, khi quân Tây Sơn ra Bắc, các cửa Hoàng Thành đã đổ gần hết, chỉ còn lại hai cửa Đại Hưng và Đông Hoa.

Khi vua Quang Trung lên ngôi, tạm đóng đô ở Phú Xuân – Huế và xây dựng Vinh làm Phượng Hoàng Trung đô, Thăng Long trở thành trị sở của trấn Bắc Thành. Nhà Tây Sơn đã cho sửa đắp lại Hoàng Thành "theo nền cũ đắp thành quanh từ cửa Đông Hoa đến cửa Đại Hưng" và làm thêm một số công trình mới.   

Tiếp đó, nhà Nguyễn (1802 - 1945) tiếp tục lấy Huế làm nơi định đô và Thăng Long vẫn giữ vai trò là trị sở của trấn Bắc Thành. Năm 1803 - 1805, vua Gia Long cho xây dựng lại thành Thăng Long theo kiểu Vauban (một kiểu kiến trúc thành lũy quân sự của người Pháp). Năm 1805, trong tên Thăng Long, chữ Long là rồng đổi thành chữ Long là thịnh vượng.

Năm 1831, vua Minh Mạng thực hiện một cuộc cải cách hành chính lớn, lập các tỉnh trong đó có tỉnh Hà Nội. Tên Hà Nội có từ đây và thành Hà Nội là trị sở của tỉnh Hà Nội.

Cuối thế kỷ 19, khi chiếm được Hà Nội, người Pháp đã phá thành Hà Nội và biến nơi đây thành nơi đóng quân. Năm 1886, phá điện Kính Thiên xây trụ sở chỉ huy pháo binh của quân đội Pháp.

Từ sau năm 1954, khu vực Thành cổ Thăng Long - Hà Nội trở thành trụ sở làm việc của Bộ Quốc phòng. Từ đây, có thêm nhiều di tích cách mạng trong khu vực thành cổ, điển hình là Di tích cách mạng Nhà D67. Tại nơi này nhiều quyết định quan trọng của Bộ Chính trị và quân đội ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã được ra đời, tiêu biểu là trong Chiến dịch Mậu Thân (1968), trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ 12 ngày đêm cuối năm 1972 và đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975).

Sau khi nước nhà thống nhất, đây vẫn là nơi làm việc của Bộ Quốc phòng và nhiều quyết định quan trọng trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam cũng được ra đời từ đây.

Như vậy, từ khi vua Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long cho đến nay, thành Thăng Long gần như liên tục giữ vị trí là quốc đô, trừ vài gián đoạn ngắn. Vào những năm từ 1397 - 1400, Hồ Quý Ly sau khi tiếm quyền của nhà Trần, đã dời đô về Thanh Hoá lập thành Tây Đô, nhưng Thăng Long vẫn mang tên là Đông Đô. Thời thuộc Minh với tên gọi thành Đông Quan, Thăng Long vẫn là thủ phủ của chính quyền đô hộ. Thời Lê sơ (thế kỷ 15) đổi tên gọi là Đông Kinh, Thăng Long trở lại vị trí quốc đô. Thời Tây Sơn, khi Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân - Huế (1788 - 1802) và thời Nguyễn (1802 - 1945) khi Gia Long tiếp tục đóng đô ở Huế, Thăng Long vẫn là đô thị hàng đầu của đất nước. Thời Pháp thuộc, Hà Nội là thủ phủ của toàn xứ Đông Dương thuộc Pháp. Sau Cách mạng tháng 8 - 1945, Hà Nội khôi phục vị trí Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, rồi nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến nay. Đây là đặc điểm nổi bật và rất độc đáo của Thăng Long - Hà Nội mà hiếm thấy một Thủ đô của quốc gia nào trên thế giới có được.

60-dem-hoang-thanh-thang-long-anh-nguyen-ba-hao.jpg

 

2 . Các yếu tố cấu thành di tích

Trải qua thời gian và những biến cố của lịch sử, thành Thăng Long đã có nhiều thay đổi, biến dạng, nhưng đến nay vẫn còn thấy được cả di tích trên mặt đất, dưới lòng đất, di tích lịch sử cách mạng, di tích khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật,… tạo thành hệ thống các di tích được đánh giá là quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích đô thị cổ, trung, cận, hiện đại của nước ta. Hiện tại, trong khu vực trung tâm Thành cổ Thăng Long - Hà Nội còn lại 5 điểm di tích nổi trên mặt đất phân bố theo trục Bắc – Nam, còn gọi là “Trục chính tâm”, “Trục ngự đạo”, gồm có: Kỳ Đài, Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn, tường bao và kiến trúc cổng hành cung thời Nguyễn, di tích nhà và hầm D67, các công trình kiến trúc Pháp…

Kinh thành Thăng Long từ thời Lý được xây dựng theo cấu trúc ba vòng thành, gọi là “tam trùng thành quách”: vòng thành ngoài là La thành hay Đại La thành, vòng thành giữa là Hoàng thành (thời Lý - Trần - Lê gọi là Thăng Long thành, thời Lê còn gọi là Hoàng thành) và vòng thành trong cùng gọi là Cấm thành (hay Cung thành). Cấm thành từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18 hầu như không thay đổi và còn bảo tồn cho đến nay hai vật chuẩn rất quan trọng:

+ Thứ nhất là nền điện Kính Thiên xây dựng thời Lê sơ (1428) trên nền điện Càn Nguyên (sau đổi tên là điện Thiên An) thời Lý, Trần. Đó vốn là vị trí của núi Nùng (Long Đỗ - Rốn Rồng), được coi là tâm điểm của Cấm thành và Hoàng thành, nơi chung đúc khí thiêng của non sông đất nước theo quan niệm phong thuỷ cổ truyền, mà di tích hiện còn là nền điện với bậc thềm và lan can đá chạm rồng thế kỷ 15.

+ Thứ hai là cửa Đoan Môn, cửa Nam của Cấm thành thời Lý - Trần - Lê. Trên vị trí này hiện nay vẫn còn di tích cửa Đoan Môn thời Lê.

Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), trong sách Đại Việt địa dư chí toàn biên có đoạn mô tả khá rõ ràng về Hoàng thành Thăng Long thời Lê: “Ở giữa là Cung thành, trong cửa Cung thành là Đoan Môn. Trong Đoan Môn là điện Thị Triều, trong điện Thị Triều là điện Kính Thiên. Bên hữu Kính Thiên là điện Chí Kính, bên tả là điện Vạn Thọ. Bên hữu Đoan Môn là Tây Trường An, bên tả là Đông Trường An, ở giữa có Ngọc Giản. Trong Hoàng thành và ngoài Cung thành ở phía Đông là Thái Miếu, sau là Đông Cung”.

62-dau-rong-dien-kinh-thien-hoang-thanh-thang-long-anh-xuan-chinh.jpg

 

3. Một số di tích tiêu biểu:

a) Kỳ Đài

Kỳ Đài còn gọi là Cột cờ Hà Nội, khởi dựng vào đầu thời Nguyễn (1805 – 1812). Kỳ đài gồm 3 tầng đế và 1 thân cột. Tầng 1 mỗi chiều dài 42,5m, cao 3,1m, có hai thang gạch dẫn lên. Tầng 2, mỗi chiều dài 27m, cao 3,7m có 4 cửa. Tầng 3, mỗi chiều dài 12,8m, cao 5,1m, có cửa lên cầu thang trông về hướng Bắc. Trên tầng này là thân Cột Cờ, cao 18,2m, hình trụ tám cạnh, thon dần lên, mỗi cạnh đáy chừng 2m. Trong thân cột có cầu thang 54 bậc xây xoáy trôn ốc lên tới đỉnh. Đỉnh Kỳ Đài được cấu tạo thành một cái lầu hình bát giác, cao 3,3m, có 8 cửa sổ tương ứng với 8 cạnh. Giữa lầu là một khối hình trụ tròn, đường kính 40cm, cao đến đỉnh lầu, là chỗ để cắm cờ (cán cờ cao 8m). Toàn bộ Cột Cờ cao 33,4m. Khi người Pháp phá thành Hà Nội, họ định phá luôn cột cờ, song may mắn là họ không tiến hành việc này vì họ muốn biến nó thành đài xem đua ngựa.

Kỳ Đài được xếp hạng di tích quốc gia ngày 21/01/1989.

b) Đoan Môn

01-doan-mon-hoang-thanh-thang-long-anh-van-phuc-.jpg

Đoan Môn là cửa trong cùng dẫn vào Cấm thành – nơi ở, làm việc của Vua và hoàng gia. Đoan Môn được xây dựng từ thời Lý với tên gọi Ngũ Môn Lâu. Tuy nhiên, kiến trúc hiện còn là được xây dựng vào thời Lê và được tu bổ, sửa sang vào thời Nguyễn.

Đoan Môn là cổng có vị trí rất quan trọng. Giữa Đoan Môn và điện Kính Thiên là Long Trì, nơi cử hành các nghi lễ chính trị và tôn giáo thiêng liêng. Đoan Môn còn tương đối nguyên vẹn, được xây dựng theo chiều ngang, cấu trúc hình chữ U, từ Đông sang Tây dài 46,5m, từ Nam lên Bắc đoạn giữa dài 13m, cánh gà hai bên đo được 26,5m, cao 6m. Phần kiến trúc chính làm kiểu vọng lâu, với 3 cửa vòm cuốn. Cửa giữa lớn nhất dành riêng cho nhà Vua, hai bên có 4 cửa nhỏ hơn dùng để các quan, hoàng thân quốc thích ra vào cung cấm.

Đoan Môn được xếp hạng di tích quốc gia ngày 06/4/1999.

c) Nền điện Kính Thiên

Là di tích trung tâm, hạt nhân chính trong tổng thể các di tích của Thành cổ Thăng Long – Hà Nội. Điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428, được coi là “một trong những tuyệt tác của kiến trúc An Nam”, tuy nhiên đã bị thực dân Pháp phá năm 1886 để xây dựng trụ sở chỉ huy pháo binh, hiện chỉ còn lại nền điện Kính Thiên và hai bậc thềm rồng đá. Thềm Rồng phía trước được tạo tác năm 1467, gồm 9 bậc đá, với 3 lối lên xuống, lối chính dành cho Vua đi, hai bên dành cho quần thần. Đôi rồng ở giữa uốn 7 khúc, chân có 5 móng. Thềm rồng phía sau tạo tác khoảng cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Đây là những hiện vật vô cùng quý giá, biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, trường tồn của văn hóa dân tộc.

d) Hậu Lâu

Hậu Lâu còn gọi là Tĩnh Bắc Lâu, Lầu Công Chúa, hay Chùa Các Bà, được xây dựng năm 1821, với mục đích ban đầu sử dụng làm nơi thờ Phật. Cuối thế kỷ 19, Hậu Lâu bị hư hỏng nặng, người Pháp đã cải tạo xây dựng lại như hiện nay.

Hậu Lâu được xếp hạng di tích quốc gia ngày 06/4/1999.

đ) Chính Bắc Môn

Còn gọi là Bắc Môn hay Cửa Bắc, là cổng thành phía Bắc, được xây dựng năm 1805.

Theo bản đồ năm 1884, phần trên cổng thành là một Vọng lâu 8 mái. Vọng lâu đã bị thực dân Pháp phá. Vọng Lâu hiện nay gồm hai tầng tám mái, với đầu đao truyền thống, mới được trùng tu, xây dựng năm 1999 – 2000.

Chính Bắc môn được xếp hạng di tích quốc gia ngày 06/4/1999.

e) Tường bao và 8 cổng hành cung thời Nguyễn

Theo Đại Nam nhất thống chí: Năm 1805, khi xây thành Hà Nội theo kiểu Vauban, nhà Nguyễn đã xây dựng tường bao từ cửa Đoan Môn quanh nội điện làm Hành cung để Vua làm việc và nghỉ ngơi mỗi khi Bắc tuần.

Hiện nay, trong khu thành cổ còn 8 cổng cùng với tường bao Hành cung bằng gạch vồ, xung quanh trung tâm thành Hà Nội thời Nguyễn.

g) Di tích nhà và hầm D67

Năm 1966, Mỹ bắt đầu đánh phá Thủ đô Hà Nội bằng không quân ngày càng ác liệt. Để đảm bảo an toàn nơi làm việc của cơ quan Tổng hành dinh trong chiến tranh, Bộ Quốc phòng quyết định xây dựng hầm và một ngôi nhà kiên cố trong khu A, Thành cổ Hà Nội. Ngôi nhà thiết kế năm 1967, được gọi là Nhà D67. Nơi đây, từ tháng 9/1968 đến ngày 30/4/1975, Bộ Chính trị, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh đã đề ra nhiều chủ trương, kế hoạch chiến lược, chiến dịch, chỉ thị, mệnh lệnh cho quân, dân cả nước chiến đấu, đánh bại các chiến lược quân sự của Mỹ, giành thắng lợi trọn vẹn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nhà D67 là nơi gắn bó với các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

h) Những công trình kiến trúc Pháp

Hệ thống các công trình mang phong cách kiến trúc Pháp trong khu vực thành cổ Hà Nội được xây dựng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, gồm có: tòa nhà sở chỉ huy pháo binh quân đội Pháp; một tòa nhà 2 tầng xây dựng năm 1897, nay dùng làm trụ sở của Cục Tác chiến; hai tòa nhà một tầng xây dựng năm 1897. Phía Đông của tòa nhà Cục Tác chiến có một ngôi nhà khách xây dựng năm 1930 với mái ngói dốc đứng, mái hiên rộng thể hiện kiến trúc đặc thù của thời kỳ này.

i) Cây xanh trong khu di tích

Quần thể cây xanh với mật độ dày, đa dạng về chủng loại và số lượng, tạo nên một môi trường trong lành, cảnh quan hài hòa của khu di tích. Phần lớn được trồng từ thế kỷ 19, nhiều cây đến nay đã thành cổ thụ, làm tăng thêm nét cổ kính và thiêng liêng của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.

k) Di tích khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu

Khu di tích khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu nằm ở phía Tây, cách nền điện Kính Thiên hiện còn trong Thành cổ Hà Nội khoảng 100m và cách Đoan Môn khoảng 170m. Ở vị trí này, khu di tích được xác định rõ là nằm ở phía Tây của Cung thành hay Cấm thành (trung tâm của Hoàng thành). Cấm thành là trung tâm đầu não của các vương triều, nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng bậc nhất của đất nước, trung tâm làm việc và nơi ở của Vua và Hoàng gia qua các triều đại Lý - Trần - Lê.

Khu tích tích có diện tích rộng 4,530 ha (45.300 m2), được khai quật từ tháng 12/2002, phân định làm 4 khu, đặt tên là A, B, C, D. Tại đây đã phát hiện rất nhiều dấu tích nền móng của các công trình kiến trúc gỗ có quy mô bề thế và nhiều loại hình di vật có giá trị, bao gồm vật liệu trang trí kiến trúc, đồ gốm sứ, đồ kim loại, đồ gỗ, di cốt động vật… có niên đại từ thế kỷ 7 – 9 đến thế kỷ 19, với hàng trăm kiểu mẫu khác nhau.

4. Giá trị tiêu biểu của khu di tích

a) Giá trị lịch sử

Thành cổ Thăng Long - Hà Nội là di tích lịch sử và khảo cổ tiêu biểu cho lịch sử dân tộc, là trung tâm chính trị của nước Đại Việt từ năm 1010 đến năm 1802 và sau năm 1945 là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nay là Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Thành cổ Thăng Long - Hà Nội thời quân chủ, với tư cách là trị sở bộ máy triều chính của các Vương triều ở Kinh đô Thăng Long, đã trở thành biểu tượng đế đô của quốc gia dân tộc. Sự tồn vong của thành gắn liền với mỗi chặng đường hưng phế của lịch sử dân tộc.

Ở tất cả các giai đoạn của lịch sử dân tộc, Thăng Long – Hà Nội, mà trung tâm và biểu tượng là khu Thành cổ, luôn là nơi hội tụ và tỏa sáng văn hóa Việt Nam đến mọi vùng miền của đất nước.

Hồn thiêng sông núi đã hội tụ vào đất Thăng Long – Hà Nội, các hiền tài của đất nước từ bao đời đã mang tài trí dựng xây cho vùng đất này xứng đáng là chốn địa linh nhân kiệt, trở thành biểu tượng của đất nước. 

Tuy trải qua nhiều biến động, đặc biệt là cuộc phá thành Hà Nội của thực dân Pháp, nhưng cho đến nay, Thành cổ Thăng Long - Hà Nội vẫn còn giữ được một số dấu tích quan trọng và nhất là còn chứa đựng rất nhiều dấu tích dưới lòng đất có giá trị đặc biệt (được tìm thấy ở cuộc khai quật khảo cổ tại địa chỉ 18 Hoàng Diệu), đã chứng minh cho sự phát triển của lịch sử Thủ đô và dân tộc trên tất cả các mặt chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật…

b) Giá trị kiến trúc, nghệ thuật

Các công trình di tích còn lại trên mặt đất như Kỳ Đài, Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn,… cùng với bằng chứng khảo cổ học tại khu di tích 18 Hoàng Diệu, với nhiều dấu tích nền móng của một quần thể kiến trúc cung điện, trong đó có những kiến trúc gỗ có qui mô lớn, cùng nhiều vật liệu xây dựng cao cấp, nhiều đồ gốm sứ ngự dụng, nhiều đồ quý khác của cung đình,… là những chứng tích vật chất phản ánh trình độ kỹ thuật cao, đặc sắc về kiến trúc và nghệ thuật của đất nước trên bình diện phát triển của khu vực và thế giới, nhất là trong thời kỳ thịnh đạt của quốc gia Đại Việt thời Lý, Trần, Lê sơ – thời kỳ được nhiều nhà sử học vinh danh là Kỷ nguyên Văn minh Đại Việt (thế kỷ 11 – 15).

Thành Hà Nội là một trong những biểu hiện tiêu biểu của việc tiếp thu và kết hợp các kỹ thuật thành lũy công sự kiểu phương Tây với các ý tưởng về một đô thành kiểu Trung Hoa. Có thể nhận thấy, về cơ bản thành Thăng Long – Hà Nội thế kỷ 19 được tổ chức theo mô hình kiểu Vauban, nhưng nó cũng thể hiện được các nét đặc thù của Việt Nam. Trước tiên và quan trọng nhất trong nhãn quan người Việt là tất cả những cấu trúc này phù hợp với các yêu cầu của thuật địa lý phong thủy cổ truyền; chúng được xây tại những địa điểm thuận lợi - nơi mà các đường nét địa linh khác thường của thiên nhiên, nhất là hệ thống sông ngòi, đã được sử dụng triệt để.

c) Giá trị khảo cổ học

Tại di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu đã tìm thấy những dấu tích cung điện quan trọng. Trải qua 10 thế kỷ với nhiều cuộc chiến tranh, nhiều biến thiên lịch sử và trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng các dấu tích kiến trúc, các loại hình di vật của cung điện xưa vẫn còn được bảo tồn tương đối tốt trong lòng đất. Trong khu di tích còn tìm thấy nhiều đồ dùng, vật dụng của nước ngoài, như các loại đồ sứ của Tây Á, Trung Quốc, Nhật Bản,… phản ánh quan hệ giao lưu văn hoá giữa Thăng Long với thế giới.

Các nhà khoa học hàng đầu của đất nước về lịch sử, khảo cổ và văn hoá đều nhất trí định danh, định tính khu di tích 18 Hoàng Diệu là một bộ phận nằm trong Cấm thành - tức trung tâm của Hoàng thành. Đây là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng của đất nước, trung tâm làm việc và nơi ở của vua và hoàng gia qua các triều đại.

67-dau-phuong-trang-tri-kien-truc-hoang-thanh-thang-long-anh-vien-khao-co-hoc-viet-nam.jpg 66-dau-rong-trang-tri-kien-truc-hoang-thanh-thang-long-anh-vien-khao-co-hoc-viet-nam.jpg

Đây là lần đầu tiên ở Hà Nội cũng như lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam tìm thấy những dấu tích nền móng một quần thể kiến trúc cao cấp, đặc biệt đó là dấu tích kiến trúc của Kinh đô Thăng Long. Trước đó, khảo cổ học mới chỉ tìm thấy một số phần nền, móng, chân tảng ở một số di tích chùa, tháp, lăng mộ, phủ đệ đơn lẻ, rải rác ở một số di tích trong khu vực Thành cổ Hà Nội, chưa có một nơi nào phát hiện được qui mô kiến trúc lớn và phong phú, đa dạng như khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu. Đây cũng là lần đầu tiên tìm thấy hệ thống di vật có số lượng lớn, với nhiều loại hình, có chất lượng cao, có niên đại kéo dài hơn 13 thế kỷ ở Thăng Long - Hà Nội.

Nguồn: Sở Du lịch Hà Nội

 

content:

content:

Thư viện hình ảnh

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến: 775
Số lượt truy cập: 4092425