Quận Ba Đình: Chủ động ứng phó với cơn bão số 3 ở mức cao nhất
- content:
Trước những diễn biến bất thường của bão số 3 được dự báo có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 10/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo chủ động ứng phó bão số 3. Ủy ban nhân dân, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão và thiên tai quận Ba Đình yêu cầu các phòng, ngành, đơn vị và UBND các phường khẩn trương, chủ động, chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó ở mức cao nhất, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản nhân dân với những nội dung cụ thể như sau:
1. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và Thành phố trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đặc biệt là Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 02/02/2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến thời tiết, thiên tai để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các tổ chức, đơn vị và Nhân dân chủ động phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố.
2. Căn cứ vào tình hình thời tiết, thiên tai, chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ", phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và địa bàn phụ trách. Đặc biệt quan tâm đến công tác chằng chống, cắt tỉa, giải tỏa cây đổ ứng phó mưa to, gió lớn; phương án chằng chống nhà cửa, công trình, biển báo, đảm bảo an toàn về người, tài sản và hoạt động sản xuất của Nhân dân; phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình; hỗ trợ đảm bảo đời sống Nhân dân, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi có sự cố xảy ra. Thông báo người dân di chuyển bồn hoa, cây cảnh… tại các ban công; thực hiện các biện pháp chằng chống nhà cửa, công trình đang xây dựng; tuân thủ các cảnh báo nguy hiểm đối với những nơi bị ngập nước (đặc biệt là các hồ nước). Tổ chức ứng trực nghiêm túc 24/24h.
3. Đối với các phường Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Cống Vị, Kim Mã; UBND quận yêu cầu UBND các phường lập phương án, tổ chức ứng trực sẵn sàng di chuyển người và tài sản ra khỏi nhà nguy hiểm C8 Giảng Võ, nhà G6A Thành Công, nhà A Ngọc Khánh, Tập thể Bộ Tư pháp, nhà 148-150 Sơn Tây khi có sự cố. UBND phường Phúc Xá theo dõi chặt chẽ tình hình nước lũ trên sông Hồng cảnh báo kịp thời cho người dân để sẵn sàng sơ tán, có phương án đảm bảo an toàn đối với người dân khu vực nguy hiểm (ven sông, địa bàn trũng, nơi có nguy cơ sạt lở đất…); UBND các phường Ngọc Khánh, Trúc Bạch yêu cầu các đơn vị kinh doanh hoạt động vui chơi trên hồ Thủ Lệ, hồ Trúc Bạch tạm dừng các hoạt động bến thủy nội địa, bảo vệ các phương tiện thủy nội địa khi có bão nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Các đơn vị trực ban thường xuyên, tổng hợp báo cáo chi tiết, đầy đủ, kịp thời tình hình diễn biến thiên tai, sự cố, các thiệt hại và công tác ứng phó, khắc phục hậu quả; kịp thời báo cáo đề xuất các nội dung vượt thẩm quyền.
4. Yêu cầu Công an quận, Đội Thanh tra Giao thông vận tải Ba Đình bố trí trang thiết bị và nhân lực tại các vị trí xung yếu, các điểm úng ngập cục bộ, chủ động sẵn sàng xử lý, ứng cứu đảm bảo giao thông thông suốt, an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ, cứu hộ cứu nạn. Ban chỉ huy quân sự quận thường xuyên nắm chắc tình hình, chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn. Các đơn vị Xí nghiệp Thoát nước: số 1, số 4; Xí nghiệp Quản lý và cắt sửa cây xanh; Công ty TNHHMTV Môi trường đô thị Hà Nội-Chi nhánh Ba Đình cử người ứng trực đảm bảo thoát nước kịp thời xử lý úng ngập, giải tỏa cây đổ trên các tuyến đường không để gây ách tắc giao thông, thu gom rác thải bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn. Công ty Điện lực Ba Đình kiểm tra phương án đảm bảo an toàn, khắc phục sự cố về điện, có biện pháp giữ an toàn cho các tuyến đường dây, cột điện, các trạm biến áp.
5. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng triển tiếp tục, khẩn trương duy tu, duy trì, cắt tỉa hệ thống cây xanh trong khuôn viên cơ quan, trường học, di tích, các khu vực công cộng, trên các tuyến đường thuộc phân cấp quản lý; thực hiện ngay việc xử lý cây, cành cây có nguy có gãy, đổ; Có biện pháp neo giữ, chằng chống các cây cổ thụ có giá trị trên địa bàn. Khẩn trương kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu thi công xây dựng chằng chống, khơi thông hệ thống thoát nước đảm bảo an toàn cho người, tài sản trên công trường và không ảnh hưởng đến các công trình xung quanh. Ban quản lý các chợ sẵn sàng tổ chức chằng chống các cầu chợ,…thường xuyên thông báo đến các hộ kinh doanh về tình hình mưa bão, đôn đốc nhắc nhở các hộ kinh doanh phải đặc biệt đảm bảo an toàn về phòng, chống cháy nổ; tổ chức thu dọn vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh sau mưa bão.
6. Các đơn vị phòng, ngành liên quan tổ chức ứng trực, phối hợp với các đơn vị đảm bảo tổ chức giải quyết, xử lý kịp thời theo chức năng, nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Theo dõi tình hình diễn biến của mưa bão, tham mưu Ban chỉ huy PCTT&TKCN quận để chỉ đạo xử lý, khắc phục kịp thời hậu quả do mưa bão gây ra theo chức năng, nhiệm vụ đảm bảo an toàn phòng chống bão. Báo cáo chi tiết, đầy đủ, kịp thời tình hình diễn biến thiên tai, sự cố, các thiệt hại và công tác ứng phó, khắc phục hậu quả và đề xuất khó khăn vướng mắc, các nội dung vượt thẩm quyền.
Ủy ban nhân dân quận yêu cầu các đơn vị và nhân dân không chủ quan, lơ là thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống cơn bão số 3 đảm bảo an toàn, hiệu quả. Người dân khi phát hiện các sự cố, nguy cơ mất an toàn liên hệ ngay UBND phường nơi gần nhất hoặc phản ánh qua số điện thoại đường dây nóng của BCĐ phòng chống lụt bão quận: 024. 39.273.248- 024.37.625.066- 0984.952.097 để kịp thời xử lý, khắc phục.
Phòng Văn hóa và Thông tin