Thực hiện khát vọng "Bắc Nam sum họp một nhà" theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa tròn 50 năm, song khát vọng và nỗ lực hoạt động của Người trong hành trình đấu tranh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước vẫn trường tồn. 50 năm sau, sức mạnh toàn dân đoàn kết - kết tinh bản lĩnh, trí tuệ, ý chí và sức mạnh nội sinh dân tộc Việt dưới sự lãnh đạo của Đảng ta để thực hiện thắng lợi hoài bão của Người vẫn đồng hành cùng dân tộc trên hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
content:

HOÀI BÃO CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ MỘT NƯỚC VIỆT NAM HÒA BÌNH, ĐỘC LẬP VÀ THỐNG NHẤT

Độc lập, tự do, hoà bình và thống nhất đất nước là khát vọng cháy bỏng của mọi người dân Việt Nam yêu nước; là mục tiêu phấn đấu, thể hiện rõ trong mọi thời điểm và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Vì vậy mà, trong những thời điểm khác nhau, phát biểu ở các diễn đàn khác nhau, nhưng hoài bão của Người về một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất đều thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt, đó là: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”[1](12/1920); “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (9/1945); “Kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”(1946), “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” (7/1966); “Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào/Bắc Nam sum họp/Xuân nào vui hơn” ( Thơ mừng xuân 1969 ); “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà” ( Di chúc , 1969),v.v..

Trong hành trình hoạt động cách mạng và đấu tranh để đạt được hoài bão đó, Người đã không chỉ đến với chủ nghĩa Mác- Lênin mà còn truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin về Việt Nam - vào trong phong trào công nhân và phong trào đấu tranh yêu nước; chuẩn bị về mọi mặt và sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam; đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa hồng vừa chuyên; tập hợp, cổ vũ, động viên quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh cách mạng trong Mặt trận dân tộc thống nhất, trong các đoàn thể chính trị, các hình thức hội phù hợp yêu cầu từng giai đoạn cách mạng để nhân nguồn sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc…

Ngay sau khi ra đời ngày 3/2/1930, trong  Cương chính trị đầu tiên , Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định đường lối cách mạng Việt Nam là trải qua hai giai đoạn: trước hết là tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, sau đó tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển của chế độ tư bản chủ nghĩa, thực hiện chủ nghĩa cộng sản ở nước ta. Vì độc lập, tự do của Tổ quốc, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã tập hợp quần chúng, đã lãnh đạo và đưa quần chúng ra đấu tranh với tinh thần và ý chí “toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Người đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mùa Thu năm 1945, sáng lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; đồng thời, khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và dân tộc. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”[2] trong bản  Tuyên ngôn độc lập  bất hủ đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.

Tuy nhiên, trước dã tâm xâm lược của thực dân Pháp và trước nguy cơ mất nước một lần nữa; trân trọng giá trị thiêng liêng của độc lập, tự do và không cam tâm làm nô lệ, với tinh thần và ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, hưởng ứng lời hịch cứu nước của Người: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”, toàn thể nhân dân Việt Nam đã quyết tâm “thà hy sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[3]. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy khó khăn, thử thách ấy, không chỉ đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn, Người và Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước kiên trì kháng chiến và kiến quốc; từng bước giành thắng lợi và và kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bằng một "Điện Biên Phủ chấn động địa cầu".

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Theo tinh thần của Hiệp định, cuộc tổng tuyển cử tự do, thống nhất hai miền Nam - Bắc sẽ được thực hiện vào năm 1956. Tuy nhiên, thực hiện học thuyết Trurman; lo ngại sự sụp đổ dây chuyền của khu vực Đông Nam Á bởi cộng sản, Mỹ đã phá hoại hiệp định Giơnevơ, can thiệp vào miền Nam Việt Nam, dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam. Vậy là, khát vọng về một nước Việt Nam độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất - non sông liền một dải của Người và toàn thể nhân dân ta chưa thể trở thành hiện thực.

Tiếp tục thực hiện khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước, để tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã căn cứ vào tình hình quốc tế, trong nước, so sánh thế và lực giữa ta và địch, nắm vững phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin để giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng (cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc) phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước.

Trong khi tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã liên tục thay đổi các chiến lược chiến tranh ở miền Nam, âm mưu và tìm mọi cách chia rẽ hai miền Nam - Bắc; ngày càng mở rộng quy mô cuộc chiến tranh, tăng cường xây dựng chế độ ngụy quyền Sài Gòn, xây dựng quân đội ngụy và tăng cường đội quân của các nước chư hầu vào tham chiến; tăng cường đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, nhằm hủy diệt cơ sở vật chất và tinh thần của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trước tình hình và nhiệm vụ mới, Đảng ta và Hồ Chí Minh đã một mặt nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ trong việc hoạch định đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tạo sức mạnh tổng hợp để đánh Mỹ và thắng Mỹ; đồng thời, tăng cường đoàn kết, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, phát huy sức mạnh của dân tộc và thời đại. Mặt khác, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cổ vũ đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết tâm xây dựng, bảo vệ vững chắc hậu phương miền Bắc, chi viện cho miền Nam đánh Mỹ; giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhiệm vụ xây dựng hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh giải phóng miền Nam, để miền Nam ruột thịt, với vị trí là tiền tuyến lớn, trực tiếp đương đầu với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai luôn nhận được sự chi viện không ngừng nghỉ sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc.

Sau phong trào Đồng Khởi 1959-1960, cách mạng miền Nam ngày càng phát triển... Quân dân ta đã lần lượt đánh bại hoàn toàn chiến lược  “Chiến tranh đơn phương ” và “ Chiến tranh đặc biệt”  của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Trong bối cảnh đó, tháng 3/1965, Tổng thống Mỹ Johnson đã quyết định thực hiện chiến lược “ Chiến tranh cục bộ ” ở Việt Nam. Tình hình cách mạng miền Nam diễn biến hết sức phức tạp, chiến tranh lan rộng ra cả nước, vận mệnh dân tộc đứng trước thử thách thức nghiêm trọng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra ngày càng quyết liệt. Để khẳng định niềm tin và quyết tâm đánh thắng Mỹ, ngày 17/7/1966, trong  Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước , Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa (…), song nhân dân việt Nam quyết không sợ!  Không có gì quý hơn độc lập, tự do ”[4], nêu cao tinh thần và thúc giục quân dân cả nước quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Trên toàn miền Nam, quân dân ta đã giành được những thắng lợi quan trọng sau gần hai năm trực tiếp đương đầu với quân Mỹ, quân đồng minh và quân đội Việt Nam cộng hòa. Tuy gặp nhiều tổn thất, song đế quốc Mỹ chưa chịu từ bỏ chiến tranh xâm lược ở miền Nam. Chúng tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc…

Trong những năm tháng đó, thực tiễn cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng ở miền Nam, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự chi viện về mọi mặt của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam đã chứng minh rằng, càng mở rộng chiến tranh, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ngày càng lún sâu vào “đường hầm không lối thoát”. Bởi rằng, dù đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam và phá hoại, hủy diệt miền Bắc xã hội chủ nghĩa, song chúng cũng “không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng” với với sự đồng tâm, đồng chí, đồng lòng của một dân tộc quyết tâm thực hiện khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Không áp lực nào ngăn cản được sự thật, ngăn cản được tinh thần và ý chí của nhân dân hai miền Nam- Bắc đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất nước nhà. Tinh thần, quyết tâm của quân dân cả nước về nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được thể hiện rõ trong từng quyết sách của Trung ương Đảng, trong nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt trong bản Di chúc lịch sử Người để lại trước khi đi xa.

Trong Di chúc của Hồ Chí Minh, khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và niềm tin tất thắng về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta được Người nhắc đến nhiều lần, cháy bỏng hơn bao giờ hết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”; “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải rút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”; “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”; “Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ và góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”[5]…

Bản Di chúc vốn không dài; nội dung Người viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng không nhiều, song chữ “nhất định” được lặp lại trong từng câu, thể hiện khát vọng cháy bỏng và niềm tin tưởng tuyệt đối của Người vào thắng lợi của nhân dân ta vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và thống nhất.

GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC THEO DI HUẤN CỦA NGƯỜI

Khát vọng và niềm tin của Người đã trở thành lời thề thiêng liêng của cả dân tộc khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa. Trước anh linh của Người, quyết tâm thực hiện hoài bão của Người, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thề: “Gương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để thỏa lòng mong ước của Người”[6].

Trong những năm sau đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta từng bước giành được thắng lợi quan trọng trên các chiến trường. Giữa tháng 6/1972, chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Ních xơn thất bại nghiêm trọng và đứng trước nguy cơ bị phá sản. Trong bối cảnh đó, Mỹ đưa B.52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng nhằm "phá hủy khả năng của Bắc Việt Nam ủng hộ các lực lượng ở Nam Việt Nam". Tuy nhiên, chiến thắng của trận “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối năm 1972 của quân dân Hà Nội đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.

“Mỹ đã cút”, nhưng để thực hiện trọn vẹn lời hứa “đánh cho ngụy nhào”, đồng bào và chiến sĩ cả nước đã không ngừng tiến lên, kiên trì thực hiện hoài bão của Người. Vẫn có Người bên cạnh soi đường, dẫn lối; có nguồn sức mạnh nội lực của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước oai hùng của dân tộc cổ vũ, động viên, chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm của nhân dân ta. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975 đã giành thắng lợi hoàn toàn, cả nước đã thống nhất, non sông liền một dải, làm thỏa lòng mong ước của Người. Tâm nguyện của Người trong Di chúc và khát vọng của toàn dân tộc về một nước Việt Nam thống nhất đã trở thành hiện thực.

50 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa và 50 năm thực hiện Di chúc của Người (1969-2019), toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; đoàn kết một lòng, phát huy những bài học kinh nghiệm trong chiến tranh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tiếp tục thực hiện hoài bão của Người trong Di chúc: “Còn non, còn nước, còn người, Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!” và cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta không chỉ đề ra, đảm bảo sự đồng bộ, nhất quán giữa đường lối chiến lược và chủ trương, chính sách cụ thể; giữa chỉ đạo chiến lược và hình thức, bước đi cụ thể trong mỗi kỳ Đại hội về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ mà còn tiếp tục bồi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự do, thống nhất đất nước của mỗi người dân Việt Nam yêu nước trong Mặt trận Tổ quốc để nhân nguồn sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, những thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh,v.v.. của Việt Nam, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế là không thể phủ nhận và ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế.

Trong xu thế toàn cầu hóa, tình hình quốc tế và trong nước ngày càng có những diễn biến phức tạp, với nhiều vận hội, thời cơ đi liền khó khăn, thách thức. Các thế lực phản động, thù địch không ngừng thực hiện âm mưu, chiến lược “diễn biến hòa bình”, với nhiều thủ đoạn mới ngày càng tinh vi và xảo quyệt, quyết liệt và thâm độc. Trong khi đó, sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã làm giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ,v.v.. Tinh hình và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới càng phải đòi hỏi mỗi người phải thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Người, thực hiện lời căn dặn của Người về độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và phát huy sức mạnh của khối toàn dân đoàn kết để dựng xây và bảo vệ non sông, gấm vóc Việt Nam liền một dải.

Càng gian nan, thử thách, nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt được tạo ra bởi khối đại đoàn kết toàn dân tộc; được nuôi dưỡng bởi ngọn nguồn văn hóa Việt Nam, bởi lịch sử anh hùng, bất khuất qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước; được tiếp nối, phát huy cao độ và thăng hoa trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc sẽ lại càng được nhân lên, kết dính bởi nhân dân - bởi thế trận lòng dân vững chắc. Nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đó được trao truyền bởi bao thế hệ người Việt Nam yêu nước luôn tràn đầy khát vọng và niềm tin chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; được bổ sung, phát triển không ngừng dưới sự lãnh đạo của Đảng; được chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường, dẫn lối sẽ tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và ngày một phát triển phồn vinh “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, lời thề năm xưa trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đem hết sức mình, tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân ta, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào”[7] và nguyện "suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của HỒ CHỦ TỊCH. Noi gương Người, toàn thể nhân dân ta, thanh niên ta nguyện ra sức trau dồi mình thành những con người mới, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới, mang lá cờ bách chiến bách thắng của HỒ CHỦ TỊCH tới đích cuối cùng"[8] sẽ trở thành mệnh lệnh trái tim, khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Trên tinh thần đó, mỗi cấp ủy Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phòng, chống và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII để luôn xứng đáng với vai trò “là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân” như Người mong muốn. Mỗi cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phải tự giác thực hiện Quy định 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Những điều đảng viên không được làm”, Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp”, Quy định số 55-QĐ/TW ngày của Bộ Chính trị khóa XII về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”, Quy định 08 về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương",v.v.. nhất là Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, góp phần vào thành công Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XIII của Đảng. 

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng về “lấy dân làm gốc” và “dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng”; triển khai thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị quy định “Về việc Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, Quy định 124-QĐ/TW của Ban Bí thư khóa XII về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”,v.v.. Trong đó, Mặt trận phải thực sự thể hiện rõ vai trò tập hợp, mở rộng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, tổ chức hoạt động; nâng cao hiệu quả việc tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở tiếp tục phát huy dân chủ, sức sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường, tự hào, tự tôn dân tộc và đồng thuận xã hội. Tăng cường khối liên minh công nhân - nông dân - trí thức làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời, phát huy dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi và nêu cao vai trò của các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài,v.v.. để mỗi người dân có thể phát huy khả năng sáng tạo của mình, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ngày một phồn vinh, nhân dân được ấm no, hạnh phúc như Hồ Chí Minh mong muốn./.

TS. Văn Thị Thanh Mai

Ban Tuyên giáo Trung ương

content:

content:

Thư viện hình ảnh

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến: 385
Số lượt truy cập: 4982577