Ủy quyền trong khiếu nại hành chính
- content:
Người khiếu nại có thể tự mình thực hiện việc khiếu nại hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện việc khiếu nại, điều này giúp cho người khiếu nại thực hiện quyền khiếu nại một cách thuận tiện.
Ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 124/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại, có hiệu lực từ ngày 10/12/2020 và thay thế cho Nghị định 75/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật khiếu nại.
Nghị định 124/2020/NĐ-CP đã quy định cụ thể biểu mẫu giấy ủy quyền khiếu nại mà trước đây Nghị định 75/2012/NĐ-CP chưa quy định và cũng làm rõ hơn các quy định về ủy quyền khiếu nại, cụ thể như sau:
Người khiếu nại có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư ,trợ giúp viên pháp lý hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại . Việc xác định người đại diện được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
Việc ủy quyền phải bằng văn bản và được chứng thực hoặc công chứng. Người ủy quyền được ủy quyền cho một người hoặc nhiều người về các nội dung ủy quyền khác nhau nhưng không được ủy quyền một nội dung cho nhiều người thực hiện. Văn bản ủy quyền được thực hiện theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020.
Người khiếu nại đang thực hiện việc khiếu nại bị chết mà quyền và nghĩa vụ của người đó được thừa kế theo quy định của pháp luật thì người thừa kế có quyền khiếu nại; người thừa kế khi thực hiện quyền khiếu nại phải xuất trình giấy tờ để chứng minh quyền thừa kế của mình. Người thừa kế có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc ủy quyền cho người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp có nhiều người thừa kế thì những người đó có quyền ủy quyền cho một trong những người thừa kế, luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.
Tóm lại, quy định của pháp luật về ủy quyền trong khiếu nại đã tạo điều kiện cho người khiếu nại thực hiện được quyền khiếu nại của mình kể cả khi không trực tiếp khiếu nại do một số điều kiện khách quan như tình hình sức khỏe, thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc những lý do khách quan khác. Để thực hiện việc ủy quyền khiếu nại đạt kết quả cao, người khiếu nại cần chú ý những khía cạnh như người được ủy quyền khiếu nại phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; văn bản ủy quyền phải được công chứng hoặc chứng thực; phạm vi và thời hạn ủy quyền phải rõ ràng. Bên cạnh đó, người ủy quyền khiếu nại cần cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu và nêu rõ mong muốn cá nhân cho người được ủy quyền khiếu nại biết để họ có thể thay mặt thực hiện các trình tự, thủ tục pháp định nhằm đảm bảo mục đích của việc khiếu nại./.
Đinh Tuấn Hải- Chánh Thanh tra quận Ba Đình